Không thể tự phẫu thuật

ANTĐ - Đánh giá tổng thể, có chiều sâu những chỉ số quan trọng của nền kinh tế từ cuối năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, tại hai diễn đàn kinh tế được tổ chức mới đây, một số chuyên gia kinh tế thuộc các viện nghiên cứu đã tập trung phân tích và đưa ra một số nhận định về mô hình tăng trưởng trong công cuộc tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế.

Một thành tích kinh tế vĩ mô quan trọng nhất của năm 2013 là lạm phát đã được kiềm chế, hạ từ mức hơn 18% năm 2011 xuống còn 6,8% năm 2012. Song, những chỉ số phản ánh mức độ rủi ro hay nguy cơ của hoạt động kinh doanh đều ở cấp độ đáng lo ngại như nợ xấu, hàng tồn kho, lãi suất, tăng trưởng tín dụng… Khi  yếu tố quyết định sự phục hồi tăng trưởng và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đều yếu hơn các năm trước. Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm hầu như bằng không, trong khi thu ngân sách chỉ đạt 16,7% dự toán năm, còn chi ngân sách, mặc dù Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh rót tiền giải ngân ngay từ đầu năm cũng chỉ đạt 18,5%. Tổng mức bán lẻ là chỉ số phản ánh sức mua bị rơi xuống mức “đáy”, chứng tỏ cầu thị trường rất yếu. Dưới góc nhìn vĩ mô, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã “phát hiện” ra một hiện tượng lạ: số doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới có xu hướng giảm so với quý IV – 2012, trong khi số doanh nghiệp đóng cửa trong quý I vừa qua “vươn lên” gần như ngang bằng với số doanh nghiệp đăng ký mới. Nghịch lý này chính là cái giá phải trả để hạ thấp lạm phát trong năm 2012.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cuối năm ngoái, tín dụng chỉ tăng 8,91%, hạn chế tín dụng để chống lạm phát là đúng, nhưng theo ông Viện trưởng, việc thắt chặt tín dụng đột ngột khi nền kinh tế đang “ốm yếu” đã buộc nó phải trả giá. Lực lượng doanh nghiệp – cơ sở chủ yếu của  tăng trưởng, lực lượng chủ chốt của kinh tế thị trường đã phải gánh chịu hậu quả. Đó là hệ lụy của nền kinh tế “nghiện nặng” vốn đầu tư, mô hình đánh đuổi tốc độ tăng trưởng với lạm phát. Bên cạnh đó, theo một số nhà phân tích, một số bộ, ngành vẫn điều hành các loại giá xăng dầu, giá điện, than, giá lãi suất… hầu như theo hành chính mệnh lệnh, giật cục, thiếu nhất quán và khó dự báo; gần như bỏ qua biện pháp kinh tế thị trường. Do hiệu quả đạt được của cách điều hành thấp nên càng gia tăng tình trạng mất lòng tin của thị trường. Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một trong hai chủ đề lớn cần thực hiện giám sát tối cao là tái cơ cấu nền kinh tế để xem xét mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã làm được đến đâu và cần làm tiếp những gì.

Một số trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, ủy viên các ủy ban Quốc hội đều nhất trí rằng, tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là vấn đề rất hệ trọng của đất nước, cần phải có một cơ quan thay mặt Quốc hội để chỉ đạo, giám sát. Không nên cho rằng đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt tức là đã an bài, dù được hay chưa được cũng cứ thế làm. Một bác sỹ giỏi cũng không thể tự phẫu thuật cho chính mình.