Không thể tin 3 “giai đoạn an toàn”

ANTĐ - Dù các kiến thức cơ bản về biện pháp tránh thai được phổ cập khá rộng rãi, nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn và buộc phải phá bỏ. Nếu “bất cẩn”, những “giai đoạn an toàn” sẽ không hề an toàn với bạn.

“Ngày an toàn” hàng tháng

Theo kinh nghiệm của chị em phụ nữ, khả năng thụ thai cao nhất nằm trong 2-3 ngày sau khi rụng trứng, vì vậy trong tháng có chừng hơn 20 ngày “an toàn”. Tuy thời điểm rụng trứng thường nằm giữa chu kỳ, nhưng nó lại phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như môi trường, nhiệt độ, tâm trạng, sức khỏe… nên đôi khi bị đẩy sớm hơn lên hoặc chậm lại vài ngày. Thậm chí có những trường hợp rụng trứng ngay trước hoặc sau ngày “đèn đỏ” nếu người phụ nữ đạt độ hưng phấn cao trong quan hệ vợ chồng. Bởi vậy, nên thay đổi quan điểm vì trong tháng không có ngày nào được gọi là “an toàn” cả.


Độ tuổi tiền mãn kinh

Phụ nữ ở độ tuổi này do kinh nguyệt đã ít đi nên thường cho rằng không còn khả năng thụ thai, vì thế mà “mất cảnh giác”. Tuy vậy, theo thống kê của một số cơ sở sản khoa, tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 40-45 đi phá thai lại nhiều hơn hẳn so với độ tuổi 22-24. Nguyên nhân là do ở thời kỳ này, dù chức năng buồng trứng đã kém đi, song trứng vẫn rụng. Vì thế, vẫn cần duy trì các biện pháp tránh thai trong vòng 1-2 năm sau khi đã mãn kinh.

Thời kỳ cho con bú

Khi người mẹ cho con bú, cơ thể hình thành nên một phản xạ tác động khống chế vùng dưới đồi của não, từ đó cũng ức chế việc trứng rụng, vì vậy nhiều người cho rằng cho con bú là biện pháp tránh thai rất “an toàn”. Tuy nhiên nếu đứa trẻ bú ít hơn, môi trường sống, thời tiết thay đổi, trạng thái quan hệ vợ chồng thay đổi… trứng vẫn có thể rụng. Có tới 5-10% phụ nữ mang thai trong thời gian cho con bú mà “không hiểu tại sao”.