Không thể thay đổi những ký ức đã qua…

ANTD.VN - Tết đến, xuân sang người ta thường có một điểm chung đó là hồi nhớ rất nhiều về ký ức. Bởi Tết chính là sự đoàn viên và gắn kết các thành viên trong gia đình. Dù vậy, ký ức về Tết ở mỗi người và mỗi vùng miền lại khác. 

Không gian phiên chợ Tết xưa ở Hà Nội

Có những ký ức ngày Tết là chộn rộn hân hoan, là khoảnh khắc đầm ấm yên vui, cũng có những cái Tết lại là dư vị mặn đắng của mỗi người khi nghĩ về. Tết ở đô thị và nông thôn lại có nhiều điểm khác nhau. Chắc chắn một điều rằng, Tết cổ truyền có dư vị đậm đà nhất ở những vùng quê. Bởi lẽ, đây là thời điểm sau một năm những người con xa xứ có dịp được đoàn tụ với nhau. 

Người phố thì lại chọn thời điểm Tết để cùng gia đình đi du lịch ở trong hay ngoài nước. Tết với mọi người là một ngày nghỉ dài để cả gia đình có thể quây quần bên nhau mà không bị vướng bận nhiều bởi cuộc sống mưu sinh hay áp lực công việc. 

Ký ức về Tết của những người sinh ra ở vùng nông thôn như chúng tôi không thể quên được những ngày Tết khốn khó. Ý niệm đầu tiên của những đứa trẻ con khi Tết về thời đó là được ăn thật nhiều kẹo và lắng nghe tiếng pháo râm ran.

Kẹo bây giờ không khan hiếm và đắt đỏ như ngày xưa. Trẻ con không cần phải chờ đến Tết mới được thoải mái ăn kẹo. Với tôi, cái Tết vẫn hằn sâu trong ký ức của mình đó là ngày bé, mẹ bỏ tôi vào chiếc giỏ xe đạp, phía sau chở mấy con gà ra chợ quê bán. 

Hồi đó, gà cũng là một khối tài sản mà kết quả của việc bán gà quyết định Tết to hay nhỏ. Cũng có thể thời điểm ấy, giá một con gà khá đắt đỏ nằm ngoài chi tiêu của gia đình nên mấy con gà của mẹ tôi cứ ế dài từ sáng cho tới trưa. Không còn cách nào khác, mẹ cột tay tôi bên chiếc xe đạp để tôi khỏi chạy lạc rồi cứ cầm từng con gà đến nài nỉ từng người một. 

Hình ảnh mẹ bước xen kẽ trong dòng người đông ở chợ cố bán gà để kiếm tiền lo Tết, mà trước hết là mua cho tôi bộ quần áo mới cứ đi theo tôi đến tận bây giờ. 

Không chỉ có ký ức về Tết, khi cuộc sống càng sung túc đủ đầy người ta càng nghĩ nhiều hơn đến ký ức ngày xưa. Ở Hà Nội, một chuỗi sự kiện mang tên “Ký ức Hà Nội” cũng đã được diễn ra. Chuỗi sự kiện ấy không chỉ tái hiện một thời Hà Nội của những ngày khó khăn trong các khu tập thể cũ, mà điểm nhấn của nó chính là tái hiện một cách sinh động bữa cơm thời bao cấp.

Đó là bữa cơm có những đĩa cá được kho thật mặn để có thể ăn được nhiều ngày, có cả những nồi cơm được độn sắn vào cho đầy nồi. PGS.TS Phạm Thúy Loan khi nhớ lại cuộc sống khốn khó ở những khu tập thể cũ kết luận rằng: “Chúng tôi ngày xưa định kỳ phải dọn dẹp khu tập thể. Gia đình này luộc sắn chia cho gia đình bên cạnh. Điều kiện thiếu thốn người ta học được sự chia sẻ, yêu thương hàng xóm hơn. Còn bây giờ, chúng ta khó có cộng đồng dân cư trong đô thị, bởi vì cộng đồng dân cư chúng ta quá lớn và mọi người quá tập trung vào đời sống của riêng mình”.

Không chỉ ở đời thực, ký ức thời xưa còn thường xuyên trở thành đề tài cho các chương trình truyền hình. Gần đây nhất có thể điểm danh chương trình “Ký ức vui vẻ” hay “Quán thanh xuân” đang được phát định kỳ trên sóng VTV. 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nội dung quen thuộc nhất vẫn là không gian để mọi người từ già cho đến trẻ, từ những người đã bước qua thời khốn khó cho đến những người trẻ sinh ra trong hoàn cảnh “gia đình không có gì ngoài điều kiện”. 

Có rất nhiều câu chuyện và nhiều ký ức được kể lại, nhưng có một điểm chung rất dễ thấy, khi cộng đồng phải trải qua những thời khốn khó như thế người ta rất dễ gắn kết, chia sẻ và bao dung với nhau hơn. 

Một chuyên gia về dân số, xã hội thường đưa ra rất nhiều ý kiến đánh giá về cuộc sống gia đình và các vấn đề xã hội khác có lần trò chuyện với tôi đã bày tỏ sự bất lực của ông trước việc giải thích cặn kẽ: Vì sao con người càng sung túc, hiện đại lại càng xa nhau hơn. 

Ông dẫn chứng bằng người cháu của ông, một người phụ nữ tây học trở về, có cả nhan sắc và địa vị xã hội kết hôn với một người đàn ông có vị trí tương xứng thậm chí hơn cô về mọi mặt. Thế nhưng cuộc kết hôn có sự chín chắn và kiểm đếm lẫn nhau của hai người đã sớm tan vỡ. 

Chúng ta không thể thay đổi ký ức đã qua, chúng ta chỉ có thể cố gắng tạo ra ký ức của ngày hôm sau bằng kế hoạch của tương lai. Thế nên ký ức với mỗi người lại có những mùi vị khác nhau. Có những người là vị đượm của yêu thương, người khác lại là vị chát chua của xa cách… Nhưng có một điểm chung nhất có thể đúng với nhiều người: Ký ức có mùi nhớ.