Không thể “thả rông” thị trường từ điển

ANTĐ - Những định nghĩa ngô nghê khiến ai đọc cũng giật mình trong cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” vừa bị thu hồi chỉ là “giọt nước tràn ly” cho lĩnh vực xuất bản từ điển, cụ thể là từ điển tiếng Việt đang có phần buông lỏng và thiếu chặt chẽ từ khâu biên soạn cho đến thẩm định chất lượng. 

Không thể “thả rông” thị trường từ điển ảnh 1Học sinh sẽ phát triển tri thức như thế nào với những cuốn từ điển đầy sai sót?

“Đầu” nọ, “đuôi” kia

Đầy những định nghĩa không thể chấp nhận được, ví dụ như “ngây thơ” là thơ ngây, “tù trưởng” là người trông coi tù nhân…, đó là những gì người đọc có thể nhận ra trong cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất được đứng dưới tên nhiều nhà xuất bản mà dư luận phản ánh trong thời gian qua. Không hiểu bằng cách nào một cuốn từ điển nhiều lỗi đến như vậy lại có thể tồn tại đến 13 năm và có đến 4 NXB tái bản và đưa ra thị trường.

Từ trường hợp này có thể thấy, công tác biên soạn và thẩm định chất lượng từ điển hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề. PGS.TS Nguyễn Văn Khang, Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đồng tác giả cuốn “Từ điển Tiếng Việt” nổi tiếng do GS Hoàng Phê chủ biên được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005 nhận định, về xuất bản từ điển tiếng Việt hiện đang rất rối loạn. Ông từng tiến hành khảo sát nhiều cuốn từ điển đang bày bán tại Hà Nội và phát hiện vô vàn những lỗi sai, nhưng vẫn được lưu hành đàng hoàng. Chẳng phải đến khi người đọc khui ra một cuốn từ điển với những định nghĩa như trò đùa, thì trong không ít những xuất bản phẩm được coi là công cụ “chuẩn hóa tiếng Việt” đã có thể nhặt ra vô số “sạn”. Từ việc “bóp méo” nghĩa gốc, lạm dụng từ Hán Việt để giải thích, cắt nghĩa, cho đến sử dụng những từ ngữ cổ xưa thậm chí, cả những từ hết sức dung tục cũng được đưa vào từ điển. “Loạn” nội dung, việc đề tên tác giả hay đơn vị xuất bản từ điển cũng cực kỳ tùy tiện. 

PGS.TS Nguyễn Văn Khang chia sẻ, đã có trường hợp một NXB tự ý gắn tên “Viện Ngôn ngữ” vào một cuốn từ điển trong khi cơ quan này không hề biên soạn. Khi hỏi ra thì họ cãi chúng tôi chỉ gắn “Viện Ngôn ngữ”, chứ không phải “Viện Ngôn ngữ học” trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam! Cùng với đó, rất nhiều xuất bản phẩm cũng được các đơn vị cố tình lập lờ, đánh tráo tên nhà xuất bản, cơ quan Nhà nước, để sản phẩm trông có vẻ “chính quy”. Ở trên mơ hồ, ở dưới là hằng hà sa số các tác giả được vinh dự đứng tên, nhưng khi hỏi nhà nghiên cứu, các đơn vị xuất bản thì họ cũng chịu, không rõ tác giả là ai, đã có kinh nghiệm gì trong việc làm từ điển. 

Không thể “ai cũng làm từ điển”

Để biên soạn một cuốn từ điển tiếng Việt, không những phải hiểu biết về tiếng Việt, mà còn phải có nghiệp vụ về biên soạn từ điển. Thế nên với thực trạng trình độ nào cũng có thể biên soạn từ điển như hiện nay thì đúng là báo động. Với một xuất bản phẩm đặc thù như từ điển, đương nhiên phải quy định rõ, đơn vị nào, NXB nào mới đủ khả năng, trách nhiệm trong việc xây dựng, biên soạn và phát hành, chứ không thể thả nổi. Thậm chí, có nhà nghiên cứu đã cho rằng, từ điển của chúng ta đang được làm theo hai dạng, một là sao chép, cắt ghép từ những công trình khác, hai là dùng một thứ “kinh nghiệm chủ nghĩa” để làm từ điển. Mà hậu quả thì rõ ràng là gây ra một hệ lụy không hề nhỏ, khi các em học sinh mới ngồi trên ghế nhà trường, mới tiếp xúc với tầng tri thức đầu tiên, lại phải tiếp nhận một sản phẩm tri thức “không hoàn chỉnh”.  

Cùng với động thái ra quyết định thu hồi và tiêu hủy cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất, Cục Xuất bản đã có công văn đề nghị các NXB rà roát lại các loại từ điển đã xuất bản và kể cả những bản thảo đang trong quá trình xử lý. Đây được coi là một biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động xuất bản, nhất là đối với công tác xuất bản từ điển ở Việt Nam, vốn vẫn còn  thiếu chặt chẽ, khoa học, từ khâu biên soạn, chỉnh lý cho đến thẩm định chất lượng. 

Phát hiện thêm một phiên bản lỗi của từ điển Vũ Chất
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, thêm một cuốn “Từ điển tiếng Việt” cũng có tên tác giả Vũ Chất của NXB Từ điển Bách khoa ấn hành cũng đã có những lỗi sai ngớ ngẩn tương tự các cuốn đã phát hiện trong thời gian ngắn vừa qua. 

Cuốn từ điển này do NXB Từ điển Bách khoa phát hành năm 2006 với số lượng 2.000 bản. Trả lời báo chí sáng 21-10, Trưởng phòng Quản lý xuất bản, Cục Xuất bản, bà Mai Thị Hương cho biết, Cục Xuất bản sẽ có hình thức xử lý kịp thời. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, NXB Từ điển Bách khoa đã không còn là NXB độc lập mà giải thể và sáp nhập với NXB Khoa học xã hội.

Cũng theo người đại diện Cục Xuất bản, ngày 17-10, Cục Xuất bản đã có Quyết định đề nghị các Sở TT-TT trên cả nước rà soát, thu hồi và tiêu hủy các cuốn “Từ điển tiếng Việt” và “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất, trong đó có 4 trường hợp đầu tiên là của NXB Hồng Đức và NXB Văn hóa – Thông tin cùng với phiên bản mạo danh NXB Trẻ và NXB Thanh niên. Văn bản này có giá trị đối với những cuốn từ điển của tác giả Vũ Chất, chứ không chỉ là đối với “4 trường hợp nói trên”.  Tuy nhiên, việc tiếp tục để lọt những phiên bản “lỗi” của từ điển Vũ Chất khiến dư luận đặt ra dấu hỏi với trách nhiệm của các NXB, đơn vị phát hành cũng như Cục Xuất bản đối với việc phát hành, quản lý với những ấn phẩm sai phạm dường như vẫn còn được bày bán tràn lan trên thị trường.