Kỳ vọng hiệu quả đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau khi chính thức đi vào hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau khi được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước nghiệm thu đang được chuẩn bị bàn giao cho Hà Nội để đưa vào vận hành, khai thác thương mại. Thế nhưng, khi các đoàn tàu sắp chính thức đưa vào chuyên chở hành khách thì đã xuất hiện những thông tin, luận điệu xuyên tạc, thậm chí còn đòi tẩy chay tuyến đường sắt đô thị này.
Việc đưa vào vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông mà còn giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội

Việc đưa vào vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông mà còn giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội

Lật tẩy “tim đen” chống phá

Công trình Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vào ngày 29-10 vừa qua đã được toàn bộ 9/9 thành viên Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện để đưa vào vận hành, khai thác thương mại. Trong cuộc làm việc ngay trước đó với Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu bàn giao Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho TP Hà Nội trước ngày 10-11-2021 để đưa ngay vào khai thác thương mại.

Trong khi đó, theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể tiếp nhận và đưa vào vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Hơn nữa, từ nhiều tháng qua, UBND TP Hà Nội đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ GTVT chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành, khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị ngay sau khi được bàn giao.

Như vậy, có thể khẳng định, sau những lần lỗi hẹn và đội vốn từ tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 8.770 tỷ đồng (hơn 552 triệu USD) lên lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD), cuối cùng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng đã hoàn thành và sẵn sàng đưa vào khai thác thương mại.

Dù chậm tiến độ và đội vốn, tuyến đường sắt đô thị này vẫn được trông đợi đưa vào vận hành, khai thác để đáp ứng nhu cầu vận tải hành hành công cộng ngày càng tăng cao ở Hà Nội, đồng thời góp phần quan trọng giảm ách tắc giao thông trên tuyến giao thông đô thị huyết mạch lưu lượng nhiều bậc nhất ở thành phố cũng như góp phần hiện đại hóa giao thông đô thị, hướng tới phát triển giao thông đô thị nói riêng, Thủ đô nói chung văn minh, hiện đại.

Thế nhưng, khi những đoàn tàu tuyến Cát Linh-Hà Đông sắp đưa vào khai thác thương mại thì xuất hiện những thông tin bóp méo, xuyên tạc nhằm dụng ý xấu xa, đen tối. Những thông tin lạc điệu, sai trái ấy có thể thấy trên không ít trang mạng, tài khoản mạng xã hội của một số đối tượng phản động, chống đối, bất mãn, cơ hội chính trị… cũng như một số trang mạng của các hãng truyền thông thiếu thiện chí, thành kiến hay chuyên chống phá Việt Nam.

Họ tung ra những thông tin, nhận xét, đánh giá theo kiểu gièm pha, bỉ bôi một cách vô căn cứ, sai lệch, dựng chuyện về dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, chê bai dự án không hiệu quả kinh tế, không giúp giải tỏa ách tắc giao thông mà trái lại góp phần làm trầm trọng thêm; dự án là sai lầm, để lại hậu quả nặng nề… rồi chẳng biết dựa vào đầu mà “phán cứ như thật” rằng, đó là nơi chia chác lợi ích nhóm, trục lợi, “lại quả”, làm giàu… để rồi kêu gọi tẩy chay, hủy bỏ dù rằng tuyến đường sắt đô thị đi vào khai thác thương mại trong nay mai.

Thực ra, những thông tin, luận điệu xuyên tạc và chống phá liên quan tới dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không phải chờ tới ngày tuyến đường sắt chuẩn bị đưa vào khai thác mới được tung ra mà có từ khi dự án mới được ký kết và khởi công. Các thế lực phản động, thù địch cũng như những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị thời gian qua luôn tìm mọi cách lợi dụng dự án này để chống phá một công trình giao thông trọng điểm ở Thủ đô, phá hoại quan hệ đối ngoại của Nhà nước ta và sâu xa là chống phá Đảng và chế độ ta.

Góp phần phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại

Chúng ta thời gian qua không bao giờ che giấu mà luôn nhìn thẳng vào những điều còn bất cập hay vấn đề còn tồn tại, cần khắc phục của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Chúng ta cũng thẳng thắn chỉ rõ những “địa chỉ trách nhiệm” và biện pháp khắc phục. Điều quan trọng nhất, dù có những tồn tại nhất định, song không ai có thể phủ nhận được vai trò của dự án này đối với việc góp phần giải quyết vấn đề giao thông của một trong những tuyến giao thông có mật độ, lưu thông nhiều nhất ở Hà Nội hiện nay; góp phần phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.

Khi chính thức đi vào vận hành, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đạt tần suất trung bình 10 phút/chuyến, giờ cao điểm là 5-6 phút/chuyến, thời gian chạy tàu từ ga Cát Linh tới ga Yên Nghĩa (Hà Đông) là 23 phút, tốc độ khai thác 35 km/h, trong khi tốc độ kỹ thuật đạt 80km/h. Thời gian đường sắt đô thị hoạt động từ 5h sáng đến 23h đêm.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông gồm 13 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách nên mỗi chuyến vận chuyển được 960 hành khách, mỗi ngày có 444 lượt tàu chạy. Như vậy, tuyến đường sắt này có thể vận chuyển 217.000 hành khách/ngày đêm, cao điểm có thể vận chuyển 19.000-20.000 hành khách/giờ, đáp ứng 55-60% lưu lượng hành khách đi lại trên tuyến giao thông huyết mạch vào nội đô này.

Theo đánh giá, trong 3 năm đầu khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, ước tính mỗi năm vận chuyển từ 30-40 triệu lượt hành khách. Những năm tiếp theo là 50-60 triệu lượt hành khách, và có thể đạt 90 triệu lượt hành khách/năm trong trung hạn.

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn nằm trong tổng thể quy hoạch, phát triển giao thông công cộng của thành phố Hà Nội, theo đó kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác như Ga Hà Nội - Nhổn đang được xây dựng hay Ngọc Hồi-Yên Viên… sẽ được xây dựng trong tương lai.

Để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo chỉ đạo của Chính phủ, Sở GTVT Hà Nội vừa phê duyệt phương án kết nối xe buýt với đường sắt đô thị.

Hiện trên tuyến này đang có 51 tuyến xe buýt, chiếm gần 40% số lượng tuyến của toàn mạng buýt Hà Nội. Riêng tại khu vực ga Yên Nghĩa (ga cuối tuyến), hiện tại xe buýt đang vận chuyển được 14.072 hành khách/giờ; tại ga Cát Linh (ga đầu tuyến) xe buýt đang vận chuyển được 6.180 lượt hành khách/giờ. Khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, để tránh trùng tuyến, lặp tuyến và phát huy năng lực của cả hình thức vận tải hành khách công cộng mới, Hà Nội có điều chỉnh để kết nối xe buýt với đường sắt đô thị cho phù hợp, hiệu quả, trong đó có giảm ùn tắc giao thông.

Người dân kỳ vọng hiệu quả của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được thấy rõ ngay sau khi hệ thống giao thông đô thị hiện đại này đi vào hoạt động. Đó cũng chính là minh chứng hùng hồn phản bác mọi thông tin, luận điệu sai trái, quy chụp nhằm mục đích chống phá xấu xa, đen tối.