Không thể phủ nhận thành tựu phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, Việt Nam vẫn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đó là cơ sở để bác bỏ những chỉ trích sai lệnh nhằm vào nỗ lực phòng, chống Covid-19, đồng thời tin tưởng vào khả năng hóa giải thách thức từ dịch bệnh của Việt Nam.
Khơi dậy tinh thần đoàn kết của người dân đã giúp Việt Nam đối phó thành công với dịch bệnh Covid-19

Khơi dậy tinh thần đoàn kết của người dân đã giúp Việt Nam đối phó thành công với dịch bệnh Covid-19

Những bình luận thiếu khách quan, chỉ trích vô căn cứ nhằm vào Việt Nam

Có thể nói, đợt bùng phát dịch thứ tư từ 27-4 đến nay là lớn nhất và phức tạp nhất, khi số ca nhiễm mới chiếm tới gần 3/4 tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam. Sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus, đặc biệt là biến chủng B.1617 từ Ấn Độ có tốc độ lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, đã khiến dịch bệnh xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương, lan vào các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam.

Diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh là điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của những bình luận, phê phán thiếu khách quan, thậm chí là cả những chỉ trích vô căn cứ, nhằm vào nỗ lực phòng, chống dịch ccủa Việt Nam. Mới đây, tờ New York Times (Mỹ) đăng bài viết với nội dung cho rằng, thành tích chống dịch Covid-19 trong quá khứ của Việt Nam là “may mắn” và ổ dịch ở TP.HCM cùng sự nổi lên của một biến thể virus mới sẽ đặt dấu chấm hết cho “may mắn” đó.

Với các thế lực thiếu thiện chí, chống đối, đây là cơ hội để chúng đẩy mạnh chiến dịch chống phá Việt Nam. Trên các trang mạng xã hội, các thế lực này chỉ trích Chính phủ Việt Nam “chỉ giỏi tung hô, tuyên truyền sáo rỗng, dẻo miệng “đổi trắng thay đen”, cố tình giấu giếm bức tranh đen tối về tình hình dịch Covid-19”. Chúng còn tự bịa ra rằng: “Quan chức Việt Nam, nhất là các lãnh đạo ở Trung ương, chỉ ngồi trong phòng lạnh, chỉ đạo chống dịch từ xa, chứ không buồn xuống cơ sở, không dành thời gian về với dân”…

Những ai theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam cũng như nỗ lực của Việt Nam trong “cuộc chiến” với đại dịch đều dễ dàng nhận thấy sự thiếu khách quan, vô căn cứ của những nhận xét, chỉ trích nói trên. Thành công của Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh trong một năm rưỡi qua là điều mà cả thế giới chứng kiến và ghi nhận.

Mới ngày 15-6 vừa rồi, trang The Diplomat đã có bài viết phân tích nguyên nhân thành công của Việt Nam trong các đợt dịch trước đây là nhờ hệ thống chính trị và hành động “mau lẹ” đáng kinh ngạc. Trang này đánh giá: “Chính phủ Việt Nam đã khai thác tốt tinh thần dân tộc trong dân, với lời hiệu triệu như trong thời chiến cùng hàng loạt áp phích, loa tuyên truyền chống dịch ở khắp nơi”.

Thực tế rõ ràng là trước một dịch bệnh nguy hiểm chết người, gây thiệt hại lớn về sinh mạng trên thế giới, Việt Nam vẫn duy trì được số người nhiễm bệnh và số ca tử vong ở mức thấp, kể cả trong đợt bùng phát dịch thứ tư. Nhìn nhận về nỗ lực này của Việt Nam, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam khẳng định: “Nếu xét trên bình diện toàn cầu, nhìn ra các nước xung quanh, thì quy mô cũng như những con số của đợt dịch này vẫn là tương đối nhỏ. Số người nhiễm, tử vong vẫn là thấp so với các nước xung quanh với quy mô dân số 98 triệu dân Việt Nam. Đa số những người tử vong là những người đã có bệnh nền từ trước”.

Không những thế, ông Kamal Malhotra còn rất ấn tượng trước dịch vụ y tế của Việt Nam, nhất là trong đại dịch Covid-19. Nhân việc Việt Nam tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhân Covid-19 nặng là nhân viên LHQ đang công tác tại một nước trong khu vực theo đề nghị của LHQ, ông Kamal Malhotra chia sẻ: “Hoạt động này cũng mang tính lịch sử vì Việt Nam từ trước tới nay vẫn được nhìn nhận là một nước sẽ cần phải đưa bệnh nhân nặng sang các nước khác như Singapore hay Thái Lan theo cơ chế của LHQ”. Theo ông Kamal Malhotra, thông qua đợt đại dịch này, Việt Nam cũng đã thể hiện rất rõ “chất lượng dịch vụ y tế rất tốt của mình”.

Ngưỡng mộ trước thành tích phòng, chống dịch của Việt Nam

Đánh giá đợt dịch hiện nay rất nghiêm trọng nhưng ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam khẳng định: “Về tổng thể, Việt Nam đã thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 rất tốt. Những biến chủng virus mới có thể lây nhiễm nhanh hơn, nhưng phần lớn đã bị chặn đứng, ví dụ như các điểm nóng ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, mặc dù vẫn còn đó những diễn tiến đáng lo ngại và khó lường ở TP.HCM”.

Cùng chia sẻ nhận định như ông Kamal Malhotra khi cho rằng, Việt Nam trong tình thế “cam go” bởi số ca mắc Covid-19 tăng nhanh và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, trang The Diplomat vẫn cho rằng, Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn hiện nay nhờ một chính phủ hiệu quả, một hệ thống y tế công cộng tốt và tinh thần đoàn kết của người dân. Không những thế, trang The Diplomat còn đưa một nhận xét khá đặc biệt rằng: “Quan trọng nhất là Việt Nam luôn khát khao phát triển kinh tế và không muốn mắc “bẫy” thu nhập trung bình”.

Trên thực tế, “mục tiêu kép” của Việt Nam vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế là vấn đề mà báo chí thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực. Trả lời phỏng vấn BBC, cây bút chuyên bình luận về Đông Nam Á David Hutt cho rằng, xét về cân bằng giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Việt Nam thực hiện rất tốt trong hầu hết năm 2020. Việt Nam là một trong những nước tại Đông Nam Á chủ động nhất và thành công. Những biện pháp giãn cách được đưa ra rất sớm và nghiêm ngặt. Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng và là một trong số ít nước ở châu Á đạt tăng trưởng kinh tế. Theo ông David Hutt, tất cả các nước đều phải cân nhắc giữa chống dịch và phát triển kinh tế và cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ này.

Báo chí thế giới cũng ghi nhận phản ứng chủ động và hành động đồng bộ bằng nhiều biện pháp hợp lý của Việt Nam. Một trong những bằng chứng là khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên nhanh chóng trong đợt dịch thứ tư, Việt Nam không chỉ áp dụng giãn cách, ngừng nhập cảnh, truy vết, mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng được yêu cầu nhanh chóng thay đổi cách bố trí lao động. Điều này có nghĩa là nền kinh tế vẫn có thể hoạt động tốt nhất có thể. Mặc dù số lượng vaccine hạn chế, song cơ quan chức năng đang nhanh chóng phân phối vaccine tới các khu công nghiệp có tầm quan trọng kinh tế cao.

Đó là cơ sở để ông Sergey Levchenko, cựu Thống đốc tỉnh Irkutsk (Nga) đưa ra nhận định sau khi bày tỏ ấn tượng về thành tích phòng, chống Covid-19 của Việt Nam: “Điều này nói lên rằng, nếu một quốc gia được điều hành tốt, nếu như tất cả đều có tinh thần quyết tâm chiến thắng dịch bệnh này thì chắc chắn sẽ thu được kết quả. Chúng tôi rất ngưỡng mộ về thành tích này của các bạn”.