Không thể “ôm” quá nhiều

ANTĐ - Chỉ trong gần ba tháng đầu năm đã diễn ra một số hội nghị, hội thảo bàn về kinh tế vĩ mô, tập trung vào một loạt vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, lấy cạnh tranh làm động lực trong quá trình huy động và phân bổ các nguồn lực, giúp giải phóng sức sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản… đã trở nên cấp thiết, không thể chần chừ, tạo một bước đột phá về pháp lý cũng như quản lý.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi do Bộ Kế hoạch-Đầu tư đang tiến hành nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tham gia sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Cụ thể, đơn giản hóa hồ sơ, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp. Luật có sự cải cách mạnh mẽ về đăng ký kinh doanh theo phương án: không ghi ngành nghề trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chỉ ghi những nghề kinh doanh có điều kiện. Thực tế, thủ tục vẫn là điểm vướng mắc, khó khăn và gây tốn kém nhiều nhất cho doanh nghiệp.

Bên cạnh việc “mở đường” thông thoáng, giải tỏa những điểm nghẽn, Luật Doanh nghiệp cũng có những quy định chặt chẽ về hậu kiểm để đảm bảo doanh nghiệp tồn tại thực sự chứ không phải doanh nghiệp “ma” như thời gian qua. Luật còn dành hẳn một chương về vấn đề doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể. Không chỉ cởi trói, gỡ khó, luật có những quy định chặt chẽ để tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật, lợi dụng giải thể để trốn thuế. Thậm chí, chỉ cần ngưng hoạt động là họ tháo biển hiệu bỏ qua khâu giải thể. Đặc biệt, tại phiên họp lấy ý kiến sửa đổi Luật Phá sản, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phải làm sao tạo điều kiện “ân xá” cho doanh nghiệp được “chết” chứ nhiều khi “chết lâm sàng” mà cũng không yên.

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, nhiều năm qua, khi bàn về điều kiện phá sản của doanh nghiệp tranh luận, bàn cãi rất nhiều nhưng không tìm ra câu trả lời. Sửa đổi luật lần này xem ra vẫn còn nhiều bế tắc khi đụng đến đâu cũng thấy vướng mắc. Trong môi trường kinh doanh đầy rủi ro hiện nay, sổ sách tù mù, nợ nần lẫn nhau như cài răng lược, thật rất khó tuyên bố phá sản. Vì thế, theo ý kiến của giới luật gia và tòa án, chỉ cần mất khả năng thanh toán là đủ điều kiện phá sản. Ban hành luật là để đi vào cuộc sống tạo ra cơ chế để doanh nghiệp phá sản một cách lành mạnh, đúng luật; đồng thời mở ra cơ hội khuyến khích thành lập mới doanh nghiệp. Cùng với hai luật trên, Luật Đầu tư cũng đang được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.

Việc sửa đổi, bổ sung 3 luật trên cũng như một số luật khác, không chỉ vì bộc lộ quá nhiều điểm hạn chế trong thực tiễn, mà còn để tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch hơn. Luật không thể chung chung, “ôm” quá nhiều nội dung, mà phải chi tiết hóa hơn nữa các quy định trong luật. Có như vậy mới có thể kéo dài “tuổi thọ” của luật.