Không thể mạnh ai nấy làm

ANTD.VN - Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng mới khánh thành được 3 năm, với quy mô hoành tráng, 2 tầng hầm, 34 tầng nổi, cao 166,8m, với thiết kế hết sức đặc biệt, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. 

Những người làm việc tại đây chưa ngồi nóng chỗ đã lại có phương án di dời xây trụ sở khác. Không khó lý giải khi thông tin trên khiến dư luận cả nước phát sốt, nhất là trong lúc bài toán chi tiêu công chưa có kết quả gì đáng kể. Lãnh đạo TP Đà Nẵng lý giải nguyên nhân di dời trụ sở là do… nóng và thiếu oxy. Thông tin trên lập tức bị nhiều công chức làm việc tại đây bác bỏ, vì tòa nhà mới ngoài một vài bất tiện nhỏ thì hoàn toàn đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Ngay sau đó, kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP Đà Nẵng đã lên tiếng lý giải những hạn chế của Trung tâm hành chính Đà Nẵng là do chọn phương án thiết kế “thiên về hình thức mà ít quan tâm đến công năng sử dụng”.

Cụ thể, do thiết kế theo hình tròn lại bọc bởi hệ thống kính theo chiều cao nên rất khó giải quyết bài toán thông thoáng cũng như thoát nạn lúc gặp sự cố, chẳng hạn cháy nổ, khủng bố. “Công năng của công trình này khá kém!”, kiến trúc sư Hoàng Quang Huy nói. 

Với những hạn chế đó, nếu không khắc phục được bằng các giải pháp kỹ thuật thì việc TP Đà Nẵng tính toán di dời Trung tâm hành chính, đồng thời chuyển đổi công năng tòa nhà cũng có thể là cách giải quyết cần tính đến.

Thực tế có rất nhiều công trình công cộng khi xây xong không phù hợp với công năng sử dụng đã phải bàn giao cho một đơn vị khác cải tạo, sử dụng vào mục đích khác. Số tiền hơn 2.000 tỷ đồng là con số khổng lồ từ tiền đóng góp của người dân, vì vậy, để tránh những dư luận không tốt, lãnh đạo TP Đà Nẵng cần công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận.

Tuy nhiên, điều đáng bàn là lẽ ra việc xây dựng Trung tâm hành chính Đà Nẵng cần phải đem ra mổ xẻ trước khi lựa chọn phương án thiết kế, những hạn chế cần này phải được đặt ra trước khi dự án được thực thi để tránh sự lãng phí. Như thực tế là trước khi xây dựng công trình này, thành phố đã không lấy ý kiến người dân.

Ngay cả sau khi đã lựa chọn phương án thiết kế, một số ý kiến chuyên gia cũng đã phản biện, nêu những bất cập sẽ gặp phải vì công năng sử dụng không phù hợp, nhưng cuối cùng thì công trình vẫn được hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

Đây không chỉ là bài học cho Đà Nẵng mà còn là bài học trong vấn đề xây dựng các trung tâm hành chính, các công trình công cộng nói chung. Việc xây dựng một trung tâm hành chính tập trung là cần thiết để tạo sự thống nhất trong quản lý, tiết kiệm chi phí, đồng thời giảm phiền hà cho người dân.

Đà Nẵng là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc xây dựng trung tâm hành chính tập trung, ngay sau đó liên tục các địa phương cũng đề xuất xây dựng các trung tâm hành chính, mỗi địa phương làm một kiểu, một mức vốn khác nhau.

Trong khi đó, đây là cơ quan công quyền của đất nước, là “bộ mặt” của mỗi địa phương, vì vậy cần có sự quản lý thống nhất, cần có đánh giá rõ ràng tỉnh nào được xây, xây như thế nào, những đơn vị nào được thiết kế, chứ không thể mạnh ai nấy làm như hiện nay.