Không thể làm giàu nhờ chồn nhung đen!

ANTĐ - Khẳng định loài chồn nhung đen chỉ là vật nuôi phụ, làm phong phú thêm các loài vật nuôi, GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam lên án các cá nhân trục lợi, dụ dỗ nông dân tham gia nuôi chồn nhung đen với giấc mộng làm giàu. 

- PV: Thực chất về loài chồn nhung đen đang được nuôi rầm rộ ở nước ta là như thế nào, thưa GS?

- GS.TS Nguyễn Lân Hùng: Chồn nhung đen không phải đối tượng mới. Tháng 4-2006, chúng tôi sang Trung Quốc công tác, thấy hàng vạn con được nuôi ở huyện Hoành, tỉnh Quảng Tây, tại Trung tâm nuôi động vật làm thuốc. 

Do đó, chúng tôi nghĩ mang về để bà con nông dân nuôi, tăng thêm nguồn lương thực. Trung Quốc gọi con này là Hắc Thốn. Chồn nhung đen là tên do Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Lộc đặt khi mang về nước. Ban đầu, được thử nghiệm tại Trung tâm Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc ở Lạng Sơn, do Kỹ sư Hoàng Lê Minh, Giám đốc Trung tâm làm thử nghiệm đầu tiên. Sau đó báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Bộ trưởng đã giao Viện Chăn nuôi tìm hiểu sâu thêm... 

- PV: Theo GS thì loài này rất dễ nuôi?

- GS.TS Nguyễn Lân Hùng:  Đơn giản từ thức ăn đến chuồng trại. Loài này ăn thực vật như cỏ, rau muống, thậm chí cả lõi ngô nghiền ra chúng cũng ăn. Lại dễ tính, ít bệnh, đẻ khỏe như chuột, 4-5 lứa/ năm, mỗi lứa từ 4-5 con. Bởi vậy, tôi khẳng định, giá trị con này không cao, ăn không ngon bằng thịt bò, thịt gà.

- PV: Tuy nhiên, hàng nghìn hộ dân đã và đang ôm giấc mộng làm giàu từ con này?

- GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Phải khẳng định, khi chúng tôi đưa loài này về nước chỉ nhằm mục đích để tăng thêm đối tượng chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, chứ không phải để làm giàu. Lông của nó có thể sử dụng vào thuộc da nhưng ở Việt Nam không có mô hình sản xuất này,  xương có thể nấu cao giống ở Trung Quốc, nhưng Việt Nam không ai sử dụng. Bởi vậy, tác dụng duy nhất nếu được là bổ sung nguồn protein. Do vậy, đây là con vật nuôi phụ trong gia đình, góp phần cải thiện đời sống chứ không hề có ý nghĩa gì cao xa cả.

- PV: GS nhận định gì về hiện tượng “ồ ạt” nuôi trong dân hiện nay? 

- GS.TS Nguyễn Lân Hùng: Chúng tôi rất ngạc nhiên, ở Việt Nam, giá trị của con vật này đã bị đồn thổi quá mức. Có nơi bán tới mấy triệu đồng một con. Trong khi, giá trị thực của nó chỉ mấy chục nghìn đồng là cao, chưa tới vài trăm nghìn đồng. Nếu so sánh, giá của nó chỉ cao gấp đôi chuột đồng là hết. 

- PV: Ở Trung Quốc có nuôi thương phẩm loại này nhiều không?

- GS.TS Nguyễn Lân Hùng: Họ không nuôi nhiều, chỉ có một số chỗ nuôi với mục đích rõ ràng là làm thuốc. Tại Việt Nam, tôi cũng chưa thấy có siêu thị, nhà hàng nào bán thịt con này. 

- PV: Đã có một số ý kiến cho rằng, thực chất chồn nhung đen là chuột đồng cỏ Nam Mỹ, ý kiến của GS?

- GS.TS Nguyễn Lân Hùng: Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu, chưa ai khẳng định và nghiên cứu cụ thể về loài này. Ngay cả Hội Động vật học Việt Nam cũng chưa dám khẳng định. Nhưng, cá nhân tôi thấy nó giống hệt chuột Cuba. 

- PV: GS có lời khuyên nào cho hàng nghìn người nuôi hiện nay?

- GS.TS Nguyễn Lân Hùng: Tôi rất buồn vì đã qua bao lần mà bà con không rút ra được kinh nghiệm. Không thận trọng trong việc lựa chọn thông tin, dễ bị phỉnh lừa bằng lời dụ dỗ, bỏ ra một đống tiền để mua con chồn này về nuôi với giá trời ơi. Trong cơ chế thị trường, các cá nhân, doanh nghiệp bán giống họ không phạm pháp, chúng tôi không thể cản trở được. Chỉ khuyên người nông dân, khi cân nhắc nuôi con gì, đầu tư vào con gì hãy hỏi nhà khoa học và cơ quan quản lý rồi quyết định, chứ đừng vội vã đổ tiền vào.