Có đường dây nóng, nhân viên y tế sẽ tốt lên (1)

Không thể làm chiếu lệ

ANTĐ - Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế ra Chỉ thị 09 yêu cầu tất cả các BV trên cả nước phải thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường giám sát, chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của y bác sĩ. Nhóm phóng viên Báo ANTĐ có mặt tại các bệnh viện để ghi nhận việc triển khai Đường dây nóng.

Rất khó để tìm được số đường dây nóng với cách niêm yết như thế này

Chưa kịp dán vì…

Ngay sau khi Bộ Y tế có Chỉ thị 09, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng có văn bản yêu cầu tất cả các cơ sở y tế của Hà Nội phải tăng cường tiếp nhận, xử lý ý kiến của người dân qua đường dây nóng. Tuy nhiên đến nay, một số bệnh viện vẫn chưa nhận thức đầy đủ, việc triển khai thực hiện chưa đạt yêu cầu. Tại BV Đa khoa Đống Đa – một BV lớn nằm ngay giữa trung tâm Thủ đô, dù đã đi vòng quanh BV đến 3-4 lượt nhưng chúng tôi không thể tìm thấy bất cứ biển hiệu hay chỉ dẫn nào liên quan tới số điện thoại đường dây nóng mà lẽ ra phải dán công khai tại khu vực khám bệnh. 

Để chắc chắn mình không nhầm, chúng tôi đã hỏi chị Lê Thị Ái (trú tại ngõ Quan Thổ, quận Đống Đa) - người “thuộc mọi ngóc ngách BV Đống Đa như lòng bàn tay” vì tháng nào cũng phải vào viện điều trị định kỳ. Chị Ái cho biết: “Tôi ra vào BV này liên tục trong hơn 1 năm nay nhưng chưa bao giờ biết đến đường dây nóng của BV nên nhiều lúc có chuyện bức xúc muốn phản ánh cũng đành chịu”. Không riêng chị Ái mà tất cả những bệnh nhân chúng tôi hỏi thăm về số điện thoại Đường dây nóng của BV Đống Đa đều lắc đầu không biết hoặc không nhìn thấy. Thậm chí, khi chúng tôi hỏi một nữ hộ lý của BV, chị này còn nhìn chúng tôi đầy lạ lẫm và chất vấn: “Các anh hỏi để làm gì? Có gì thắc mắc thì hỏi luôn tôi trả lời, còn không thì vào hỏi bác sĩ hoặc y vụ”.

Liên hệ gặp TS Lê Hưng - Giám đốc BV để có câu trả lời, chúng tôi mới biết BV Đống Đa đã có đường dây nóng từ nhiều năm nay, tuy nhiên số điện thoại này hiện được dán tại một điểm duy nhất ở khoa Nội trú. Theo chỉ dẫn của TS Lê Hưng, cũng phải rất khó khăn chúng tôi mới tìm thấy số điện thoại đường dây nóng của BV là 04.85822392 được dán tại một tấm bảng nhỏ treo ghép trên góc của tấm bảng phân công công việc trong khoa. Trước câu hỏi, liệu để số điện thoại như vậy thì người dân có biết mà liên hệ hay không, ông Lê Hưng giải thích: “Do BV đang tiến hành xây dựng và sửa chữa lại hầu hết các khoa phòng nên chúng tôi chưa có chỗ ổn định để dán công khai số điện thoại đường dây nóng cho người dân biết. Ngay sau khi hoàn thiện, việc dán số đường dây nóng công khai sẽ được ưu tiên”.

Cần tiếp tục chấn chỉnh

TS Lê Hưng cho biết thêm, hiện số điện thoại đường dây nóng của BV Đống Đa được giao cho 3 người trong Ban Giám đốc và 5 Trưởng khoa thay nhau trực. Dù đây là một kênh phản hồi quan trọng của bệnh nhân để giúp lãnh đạo BV nắm rõ thái độ phục vụ và nâng cao chất lượng chuyên môn của các y bác sĩ, nhưng thực tế thời gian qua các cuộc gọi của người bệnh phản ánh qua đường dây này rất ít. Giám đốc BV Đống Đa thừa nhận: “Có lẽ đó là do người dân chưa biết chứ chưa hẳn là họ không có ý kiến về nhân viên của chúng tôi”.

Tương tự BV Đống Đa, tại BV Đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), số điện thoại đường dây nóng gần như chỉ để… cho có. Mất cả giờ đồng hồ chăm chú đi tìm, chúng tôi chỉ thấy duy nhất tại Khoa Nhi có niêm yết 2 số 04.38774001 (gọi trong giờ hành chính) và 04.38271430 (gọi ngoài giờ) trên một tờ giấy A4, trong khi khoa Khám bệnh và các khoa cận lâm sàng là nơi tập trung nhiều bệnh nhân nhất, nhiều bức xúc nhất thì lại chẳng thấy tấm bảng nào. Bà Phạm Thị Hoà, trú tại ngách 154/39 Ngọc Lâm (Long Biên) tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi biết BV này cũng có đường dây nóng để người dân góp ý và phản ánh. Bà nói: “Tôi có thẻ bảo hiểm y tế mà lần nào vào làm thủ tục khám chữa bệnh cũng bị các cô ấy bắt chạy tới chạy lui. Có lần bực mình tôi đòi lên gặp lãnh đạo BV để thắc mắc thì họ nói Giám đốc đang họp, muốn gặp phải chờ. Nếu có đường dây nóng thì sao BV không niêm yết công khai khắp nơi cho người dân như chúng tôi gọi? Nếu có mà cứ “giấu” đi như thế thì lập đường dây nóng để làm gì?”.

Với cách triển khai như vậy, chúng tôi không ngạc nhiên khi ông Nguyễn Tuấn Minh, cán bộ thanh tra thuộc Phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Đức Giang cho biết, rất ít khi có người bệnh gọi đến số điện thoại đường dây nóng của BV. Theo ông Minh: “Đường dây nóng của BV hiện nay tuy có nhưng sở dĩ chưa dán công khai ở khoa Khám bệnh vì chưa có quy chuẩn dán như thế nào, độ dài rộng ra sao? Hơn nữa, BV Đa khoa Đức Giang đã có một phòng tiếp dân nên nếu người bệnh có thắc mắc thì y tá, hộ lý sẽ hướng dẫn người dân lên thẳng đây và chúng tôi sẽ giải thích hoặc tư vấn cụ thể”. Tuy nhiên cách giải thích này xem ra không được thuyết phục. Cần nhắc nhớ rằng, ngay quy định đầu tiên tại Chỉ thị 09 do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ban hành ngày 22-11-2013 đã ghi rõ: Đường dây nóng của các BV phải được công khai tại nơi người bệnh và người nhà người bệnh dễ thấy như nơi đón tiếp, khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu.... Trong khi rõ ràng Bộ Y tế đang cố gắng cải thiện tinh thần, thái độ của y bác sĩ thông qua việc thiết lập đường dây nóng BV để thay đổi thành kiến của người dân với ngành y thì cách thực hiện ở một số nơi cần tiếp tục được chấn chỉnh nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.  

                        

(Còn nữa)