Không thể "giật gấu vá vai"

ANTD.VN - Khi câu chuyện thiếu tầm nhìn trong ngành giáo dục dẫn tới hậu quả “thừa thầy, thiếu thợ” còn chưa được giải quyết, thì lại xuất hiện bài toán mới cũng nan giải không kém: thừa giáo viên ở cấp trung học, thiếu giáo viên mầm non. Song chuyện đáng bàn hơn lại nằm ở chính đề xuất được đưa ra để giải quyết vấn đề này.

Thời gian gần đây, ngành giáo dục, giới chuyên gia cũng như dư luận xã hội tập trung bàn luận sôi nổi về kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển đầu vào đại học, quyền tự chủ của các trường đại học.

Đây thực sự là những vấn đề trọng đại rất đáng được cả xã hội “mổ xẻ”, phân tích đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, có lẽ do quá chú tâm tới chuyện “thu hoạch” kết quả sau hơn 15 năm “trồng người”, nên bản thân ngành giáo dục cũng như xã hội dường như đã “bỏ quên” ngành mẫu giáo, nơi gieo hạt giống, ươm trồng mầm non cho vườn cây, rừng cây tương lai. Cây có cứng cáp, vươn lên, rễ sâu bền gốc hay không chính là từ những mảnh đất có đầy đủ dưỡng chất được chăm sóc, vun trồng công phu, kỹ lưỡng.

Thế nhưng, thử nhìn vào mỗi trường mẫu giáo, không thể ngoảnh mặt trước một thực trạng đáng lo ngại. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường ở một số thành phố lớn có thể tạm coi là khả dĩ, còn thì hầu hết chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong việc giáo dục thể chất, kỹ năng cho trẻ. Đó là chưa kể hàng nghìn trường, lớp ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhất là trong các khu công nghiệp. Đây chỉ là một góc khuất của “bức tranh” mẫu giáo. Còn một khoảng trống rất lớn đã tồn tại nhiều năm nay mà chưa thể lấp đầy: Lực lượng giáo viên được đào tạo bài bản, căn cơ, cho ngành nuôi dạy trẻ thiếu trầm trọng. 

Có một nguyên nhân không thể phủ nhận là rất ít thí sinh thực sự yêu nghề, yêu trẻ nộp đơn theo ngành sư phạm mẫu giáo. Vừa vất vả như con mọn, vừa đòi hỏi tâm huyết, sức lực, thời gian, vừa thu nhập không bằng ai. Chưa kể hầu hết đều làm việc theo hợp đồng, không có biên chế. Song, nguyên nhân sâu xa nằm ở tầm nhìn dài hạn trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên trên cả nước. Trong khi đó, giáo viên các cấp lại dư thừa không biết bố trí vào đâu cho hết. Đã có không ít thầy cô ra trường phải làm việc văn phòng, thư viện, dạy chéo môn.

Trước thực trạng này, ngành giáo dục vừa có ý tưởng đào tạo lại khoảng 40.000 giáo viên ở cấp trung học để dạy mẫu giáo. Dù mới chỉ là đề xuất, song dư luận không thể không bày tỏ lo ngại. Bởi đâu chỉ là lấy từ chỗ thừa lấp chỗ thiếu. Cũng là giáo viên nhưng mỗi cấp, mỗi đối tượng học sinh mỗi khác. Chưa kể nghề mẫu giáo phần lớn là giáo viên nữ, “cô giáo như mẹ hiền”, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt trong việc nuôi dạy trẻ, nhất là khả năng múa, hát, làm đồ dùng giảng dạy...

Một chiến lược đào tạo giáo viên cho các cấp, rõ ràng đã bộc lộ những “lỗ hổng” khó có thể “san lấp” theo “giật gấu vá vai”. Những bất cập và hệ lụy kéo theo chắc chắn không thể lường hết được.