Không thể "đèn ai nhà nấy rạng"

ANTD.VN - Các nhà tâm lý học, tội phạm học chưa đưa ra những con số thống kê chính thức, nhưng trước thực trạng nhức nhối các vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra trong các gia đình từ thành thị đến nông thôn trong mọi thành phần dân cư, đã gióng lên hồi chuông cấp báo về sự xuống cấp trầm trọng đạo đức, đạo lý, nhân cách và phẩm giá con người. Gia đình được coi là tế bào của xã hội, tế bào trở thành khối u, di căn thì “cơ thể” xã hội sẽ ra sao?

Chỉ mấy ngày vừa qua, dư luận lại bàng hoàng vì liên tục xảy ra những vụ án khủng khiếp xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Không phải là tội phạm ngoài xã hội cướp của giết người, mà tội phạm và nạn nhân lại chính là những người sống chung một nhà, ngủ chung một phòng, ăn cùng mâm, cùng máu mủ ruột già.

Tội phạm mang đủ mọi bộ mặt: chồng giết vợ, vợ sát hại chồng; cha đâm con, con chém mẹ... Anh em ruột cướp đi mạng sống của nhau tàn bạo hơn cả sát nhân máu lạnh. Không thể liệt kê những vụ án dã man, tàn bạo giữa những người ruột thịt, họ hàng với những hành vi ghê sợ mất hết tính người.

Điều mà dư luận xã hội thực sự lo ngại là nguyên nhân của thực trạng “án mạng gia đình” không phải bắt nguồn chủ yếu từ vấn đề kinh tế, có nghĩa là thủ phạm không phải do đói nghèo, thiếu thốn hay túng quẫn đường cùng. Tại những phiên tòa xét xử các vụ án ở một số địa phương, dư luận không khỏi choáng váng trước những lý do vụn vặt được đưa ra.

Cũng có vụ từ rượu bia, lô đề, cờ bạc, song không có lý do nào có thể lý giải cho hành động sát hại ngay chính người thân của mình. Dưới con mắt của các nhà tâm lý xã hội, một nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng bi đát này là phần “con” trong con người đang có xu hướng lấn át phần “người”. Bản tính hoang dã đang có chiều hướng gia tăng từ ngoài xã hội vào trong gia đình, kể cả nhà trường. Ở đây không thể đổ lỗi cho cơ chế thị trường, mà phải nhìn thẳng, nói thật về sự băng hoại đạo đức đáng báo động trong xã hội, sự suy thoái những chuẩn mực luân thường, đạo lý của người Việt.

Hãy giữ lấy “tổ ấm”, hãy bảo vệ và xây đắp gia đình mình không chỉ là lời kêu cứu, mà phải trở thành hành động cụ thể của mỗi người. Chất keo gắn kết gia đình chính là tình yêu thương, sự sẻ chia, trách nhiệm, nhất là sự nhẫn nại, hy sinh. Gia đình đổ vỡ, tan cửa, nát nhà thì mọi sự đều trở nên vô nghĩa. Không ai có thể thay mình giữ lấy tổ ấm gia đình. Song cũng rất cần có sự chung tay hỗ trợ của tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thể cũng như bà con hàng xóm, những người “tắt lửa tối đèn” có nhau. Tuyệt nhiên không thể “đèn ai nhà nấy rạng”.