Không thể dàn đều

ANTĐ - Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5-2013. Theo đó, mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và lộ trình tăng như thế nào. Điểm mới nhất trong chính sách tiền lương của Bộ luật sửa đổi là gì? Đó là làm rõ hơn khái niệm tiền lương và xác định tiền lương là giá cả sức lao động theo nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Bất cập lớn nhất của cơ chế tiền lương công chức hiện nay là chưa đặt tiền lương là giá cả của sức lao động. Nếu coi sức lao động là hàng hóa thì phải trả giá cao cho những hàng chất lượng và phải có cơ chế khuyến khích nâng cao chất lượng hàng hóa theo cơ chế thị trường. Đó là ý kiến của một thành viên Ban Nghiên cứu của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tăng lương đang bị kìm hãm vì chỉ cần tăng lương tối thiểu lên 100.000 đồng/tháng, thì ngân sách Nhà nước sẽ phải tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Vậy thì vai trò của Bộ LĐ-TB&XH trong Hội đồng tư vấn tiền lương quốc gia là gì? Hội đồng này thực hiện chức năng tư vấn, khuyến nghị Chính phủ về ban hành mức lương tối thiểu. Khi đó, Bộ sẽ đóng “hai vai”. Nếu thuộc Hội đồng thì theo cơ chế hoạt động của Hội đồng. Còn nếu thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thì vẫn phải nghiên cứu, đề xuất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu. Theo một Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay việc thay đổi lương theo cơ chế 3 bên nhưng cho là Chính phủ đưa ra phương án và ý kiến đóng góp. Khi thành lập Hội đồng tư vấn tiền lương thì cơ chế sẽ phải khác, Hội đồng có thể mời thêm các chuyên gia phản biện để đi đến thống nhất phương án điều chỉnh lương kèm theo những phân tích, diễn giải. Vấn đề lâu nay gây tranh cãi là xác định mức sống tối thiểu như thế nào?

Theo một số chuyên gia, hoàn toàn có thể tính được mức sống tối thiểu căn cứ vào hai nhóm nhu cầu của người lao động: Lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm. Thường thì nhu cầu lương thực, thực phẩm tính theo calo, đảm bảo cho người lao động 2.300 calo/ngày. Từ nhu cầu này có thể tính nhu cầu phi lương thực, thực phẩm. Bênh cạnh đó phải xác định mức sống tối thiểu bằng cách tính chi phí chỗ ở, học hành, ăn mặc, giải trí. Hiện nay nước ta điều chỉnh lương theo 2 yếu tố: một mặt nâng dần lên mặt bằng để đáp ứng nhu cầu tối thiểu; hai là phải đảm bảo tiền lương thực tế. Vì thế phải có lộ trình đưa lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Khi đạt được mục đích thì sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo chỉ số giá tiêu dùng. Đây là cái đích đặt ra cho năm 2015, song theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, để lương là giá cả sức lao động, đòi hỏi cán bộ, công chức phải trả lại giá trị lao động tương ứng với tiền lương tăng. Hiện nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là 1/3 làm việc hết mình, 1/3 chỉ đâu làm đó và 1/3 không làm gì. Một bất cập nữa là dàn hàng ngang khi tăng lương… 

Cải cách tiền lương là đòn bẩy kích thích năng suất lao động, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức nhưng đi liền với tăng lượng thì phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng thực thi công vụ. Không thể trả lương theo kiểu “đến hẹn lại lên” và dàn đều.