Không thể có các “nhà báo tự do”, nhà báo ngoài vòng pháp luật

ANTĐ - Có thể nói vai trò của Internet, các kỹ năng của công nghệ số đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ và sự phong phú của thông tin, đồng thời cũng sớm cho thấy mặt trái của Internet qua những thông tin gọi là tự do nhưng không chịu trách nhiệm kiểm chứng. 

Chúng ta thừa nhận, Internet còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển của tự do ngôn luận với sự bùng nổ của website cá nhân, các trang blog, mạng xã hội bên cạnh các website chính thống với những nhận định đa chiều, đa màu sắc. Tuy nhiên, phải khẳng định những người viết, đưa thông tin lên mạng không thể được coi là nhà báo. Như mọi nghề nghiệp xã hội khác, nghề báo có nguyên tắc nghề nghiệp riêng, hoạt động theo các quy định pháp luật, yêu cầu mỗi người làm nghề phải được trang bị hệ thống tri thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp... nhất định. Việc tuân thủ những điều Luật, nguyên tắc, yêu cầu này trở thành tiêu chí xác định vị trí, vai trò của nhà báo. Chính vì vậy, rất nhiều người từng viết không ít những bài được đăng trên các tờ báo uy tín, những ý kiến của họ được dư luận tôn trọng, song chưa bao giờ họ vỗ ngực tự nhận mình là nhà báo. 

Ấy vậy mà một số người chỉ mới viết dăm bài, tung lên mạng qua trang cá nhân của mình rồi được bạn bè hoặc những người có cùng động cơ chia sẻ sang các trang cá nhân khác, bỗng cứ xưng xưng nhận mình là nhà báo, “nhà báo tự do”. “Căn bệnh nan y” trên Internet hiện nay là sự xuất hiện của một số người hăng hái chỉ trích đất nước trên các trang cá nhân nhằm thực hiện các toan tính xấu xa. Lợi dụng, xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, một số người được hệ thống truyền thông của các thế lực thù địch phong cho chức danh “nhà báo tự do”, cho dù họ chưa bao giờ được bảo đảm tư cách nghề nghiệp. Với sự đồng lõa, phối hợp và ủng hộ của các ấn phẩm có tư tưởng đối nghịch cũng như các tổ chức phản động của người Việt lưu vong ở nước ngoài, số người này xuất hiện trên Internet qua các văn bản sử dụng thủ đoạn dựng chuyện, bịa đặt, xuyên tạc để vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam. 

Câu hỏi quan trọng là họ tự nhận hoặc một số thế lực thù địch phong cho họ là nhà báo để làm gì? Với nhiệm vụ thông tin và được bảo vệ bởi những công ước quốc tế, các nhà báo có vai trò quan trọng với đời sống xã hội và đại diện cho quyền tự do ngôn luận của thể chế. Còn với động cơ xấu, đưa nhiều tin cũng như những nhận định sai sự thật, sử dụng các trang cá nhân đăng tải những ý kiến phá hoại khối đoàn kết toàn dân, những kẻ “sáng tác” ra những những tin vịt này mong có danh xưng nhà báo để được bảo vệ, để trốn tránh trách nhiệm xã hội, trốn tránh pháp luật. Chúng ta khẳng định không bao giờ công nhận họ là các nhà báo.