Không thể chỉ "bấm nút"

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa yêu cầu mở rộng hoạt động thanh toán thẻ đến các lĩnh vực tiềm năng như bệnh viện, trường học, dịch vụ công, chợ đầu mối, hộ tiểu thương… Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch, thanh toán, tiến tới hạn chế tình trạng “tiền trao, cháo múc” vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Vậy mục tiêu này có quá xa vời hay không và tính khả thi tới đâu?

Đến nay, việc ngân hàng trả lương qua tài khoản đã trở thành một hình thức giao dịch thông dụng, mặc dù có nơi, có lúc, hiệu quả chưa được như mong muốn. Chẳng hạn, vào những dịp nghỉ lễ dài ngày, người dân, nhất là người lao động tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn phải xếp hàng rồng rắn, chầu chực ở các cây ATM để chờ rút tiền. Chưa kể, không ít trường hợp hết tiền, “nuốt thẻ”, trục trặc kỹ thuật gây phiền phức, bức xúc cho người dân. Có cả những trường hợp cán bộ hưu trí “bó tay” trước những cây ATM... bất động. 

Chúng ta đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử nhưng lại không quy định cụ thể cho loại hình nào, trên nền tảng thiết bị nào. Các chuyên gia cho rằng, đây là mô hình hoạt động mới và phức tạp nên cần có những cơ chế, công cụ quản lý mới cũng như sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Nếu không cẩn thận, người tiêu dùng có thể mất tiền oan.

Việc ngân hàng khuyến khích người dân trả viện phí, học phí qua thẻ không chỉ là một chủ trương đúng đắn, mà còn là một xu hướng tất yếu đã trở thành thói quen ở các nước trong khu vực. Để chủ trương này đi vào cuộc sống, các ngân hàng phải nhanh chóng vào cuộc một cách bài bản và tích cực. Không chỉ đơn giản là đặt nhiều cây ATM, mà quan trọng là dịch vụ phải thân thiện, dễ sử dụng. Bởi trên thực tế, người dân, nhất là những người lao động, người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn chưa quen với những thiết bị, công nghệ hiện đại.

Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đang hoàn tất dự thảo thông tư quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử để ban hành vào quý IV năm nay. Trong đó, tâm điểm là các quy định bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro. Thông tư này cũng đặt ra một số yêu cầu về thủ tục hành chính cho các chủ thể khi tham gia kinh doanh thương mại điện tử. Rõ ràng, một chủ trương đúng không thể chỉ “bấm nút” là xong mà còn trông vào những giải pháp mạnh mẽ để thực thi và dỡ bỏ những rào cản vô lý.