Không thể chặn hết thực phẩm “bẩn”

ANTĐ - Ngày 16-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các Bộ, ngành liên quan đã làm việc với UBND TP Hà Nội về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Hà Nội là 1 trong 2 thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nhất cả nước nhưng hiện tình trạng mất ATTP rất đáng báo động, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Không thể chặn hết thực phẩm “bẩn” ảnh 1
Tình trạng vận chuyển mua bán gia cầm vẫn khó kiểm soát
Trong ảnh: Mua bán gia cầm tại chợ Long Biên, Hà Nội. Ảnh: PHÚ KHÁNH


Hàng chục chốt chặn bị qua mặt

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán thủ công, 6 khu giết mổ thủ công tập trung, trong khi có đến 2.571 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, hộ gia đình chưa đảm bảo ATTP. Năm 2013, các cơ quan chức năng của thành phố đã xử lý 3.146 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm phạt trên 12 tỷ đồng; Điều tra 8 vụ, khởi tố 5 vụ với 7 đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP, quá hạn sử dụng, hàng giả. Chỉ tính riêng trong đợt kiểm tra thực phẩm Tết đang diễn ra, các đoàn đã phát hiện hàng loạt vi phạm như: nhiều mẫu giò chả có hàm lượng Natribenzoat vượt giới hạn cho phép, Chi cục Thú y đã xử lý 283 vụ vi phạm, Công an thành phố xử lý 115 vụ…

Ông Nguyễn Khắc Hiền nhận định, dù thành phố đã rất cố gắng kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc, song vẫn chưa triệt để, đặc biệt ở các chợ tạm, chợ cóc. Việc triển khai cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở thức ăn đường phố gặp khó khăn do nhiều cơ sở không cố định, hoạt động mùa vụ. Đặc biệt, tình hình vận chuyển buôn bán thực phẩm nhập lậu không đảm bảo an toàn từ các tỉnh khác vào Hà Nội vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nếu không ngăn chặn được từ gốc, nghĩa là kiểm soát được chất lượng thực phẩm đầu vào thì có kiểm tra, giám sát nhiều đến mấy cũng không thể phát hiện, thu hồi hết được.

Phân tích thêm về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhiều thực phẩm chủ yếu là hàng Trung Quốc nhập lậu bày bán tràn ngập thị trường, rất đáng lo ngại, báo động. “Chưa bao giờ như năm 2013, chúng tôi bắt giữ phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất an toàn tính bằng con số hàng tấn, hàng xe, chứ không phải vài chục, vài trăm kilogam như trước. Không hiểu sao hệ thống kiểm soát có hàng chục chốt chặn của rất nhiều cơ quan chức năng liên quan mà những mặt hàng thực phẩm vi phạm này vẫn dễ dàng vượt qua, tràn về Hà Nội được” – bà Nguyễn Thị Như Mai trăn trở.

Cuộc chiến gian nan

Đồng tình với những vướng mắc của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, ngay cả khi Hà Nội đã chủ động làm tốt công tác liên kết với các địa phương lân cận để đảm bảo nguồn cung thực phẩm nhưng cũng khó giám sát hết được chất lượng nguồn thực phẩm này đưa vào thành phố. Bộ trưởng Cao Đức Phát đặc biệt lo ngại vấn đề buôn lậu gia súc, gia cầm đang tái diễn phức tạp, số gia cầm này tràn qua biên giới rồi ồ ạt về Thủ đô, kéo theo các loại virus cúm gia cầm đang bùng phát dịch ở Trung Quốc có thể xâm nhập bất cứ lúc nào. Do vậy, Hà Nội cần kiểm soát tốt hơn nữa mặt hàng gia súc, gia cầm, tăng cường lực lượng để khóa chặt đầu vào ở các cửa ngõ thành phố. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh đến khía cạnh xử phạt vi phạm. Theo Bộ trưởng, ngoài 2 tháng trọng điểm về ATTP trong năm là tháng 4-5 và tháng Tết thì ở các tháng còn lại trong năm công tác thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm về ATTP chưa thực sự được chú ý. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, trong tháng Tết này, Hà Nội phải tập trung cao độ việc thanh kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, đồng thời phải xử phạt thật nghiêm những hành vi vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ATTP hiện nay thực sự là mối lo ngại lớn, mọi người dân khi tiêu dùng thực phẩm đều rất thấp thỏm, bất an. Do đó, công tác đảm bảo ATTP là một cuộc đấu tranh đầy gian nan, đòi hỏi sự mưu trí, quyết liệt. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo tràn vào thị trường thì phải “phòng thủ” từ biên giới, phải ngăn chặn ngay từ đầu vào. Mặt khác, phải tuyên truyền sâu rộng hơn để các doanh nghiệp và người dân nhận thức tốt hơn về ATTP. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành phải gỡ ngay những vướng mắc về mặt chính sách để các địa phương thuận lợi hơn trong triển khai công tác đảm bảo ATTP vì sức khỏe nhân dân.