Không thể chần chừ

ANTĐ - “Kiềm chế lạm phát là mục tiêu không thể dao động”, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định như vậy trước hơn 30 chuyên gia và nhà khoa học trong buổi làm việc được tổ chức định kỳ 6 tháng một lần. Đúng 6 tháng sau cuộc làm việc vào đầu năm, lần này người đứng đầu Chính phủ đã dành trọn một ngày để lắng nghe các ý kiến thẳng thắn, đầy tâm huyết “hiến kế” chấn hưng nền kinh tế.

Chia sẻ tâm tư với các nhà khoa học và chuyên gia, Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin rộng rãi, công khai minh bạch những thuận lợi cũng như khó khăn của nền kinh tế, từ đó tạo sự chia sẻ, đồng thuận trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 11 đã đề ra.

Cùng chia sẻ với Chính phủ, các chuyên gia và nhà khoa học cũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu đi, điều này đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế đất nước. Họ cũng thẳng thắn chỉ rõ, lạm phát chủ yếu có nguyên nhân từ yếu tố chủ quan, trong đó có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Vấn đề điều hành cũng đã được kỳ họp thứ nhất Quốc hội nhiệm kỳ mới “mổ xẻ” khi phân tích các nguyên nhân gây ra lạm phát. Trên nghị trường, ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xác định xem yếu tố bên ngoài chiếm bao nhiêu phần trăm, yếu tố bên trong là bao nhiêu phần trăm. Trong vòng ba bốn năm nay đã diễn ra hai lần lạm phát cao và một lần suy giảm kinh tế, một phần nguyên nhân quan trọng là do điều hành chính sách.

Vì thế, theo các nhà khoa học kinh tế hàng đầu, nếu không rút ra được những kinh nghiệm để điều hành hiệu quả thì e rằng nền kinh tế trong thời gian tới khó có thể ổn định và phát triển bền vững. Một giáo sư kinh tế cho rằng, chống lạm phát phải là một cuộc “đại giải phẫu” thì mới thành công. Yếu tố chủ quan trong điều hành kiềm chế lạm phát của Nghị quyết 11 là đúng và trúng, kịp thời và nhạy bén.

Tuy vậy, việc thực thi chưa được như mong muốn. Chính sách tiền tệ còn dựa nhiều vào các biện pháp hành chính. Một số bộ, ngành và địa phương còn chần chừ trong cắt giảm đầu tư công, cơ chế phối hợp chính sách chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả, kỷ luật tuân thủ chính sách chưa nghiêm, đặc biệt là lãi suất ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Lạm phát đương nhiên là vấn đề gay cấn nhất, nhưng toàn cảnh “bức tranh” kinh tế còn đan xen những mảng màu tối sáng đã được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra. Đó là hệ thống thể chế lạc hậu, không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Một số luật ban hành nhưng khó đi vào cuộc sống như Luật Bất động sản, Luật Phá sản, Luật Chống độc quyền… Trong tình thế hiện nay, kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu, song tái cấu trúc nền kinh tế là bước đi không thể chần chừ nữa. Có tái cấu trúc mới thực sự là cuộc “đại giải phẫu” gốc rễ của căn bệnh lạm phát.

Chăm chú lắng nghe và cầu thị, Thủ tướng đồng tình với các ý kiến “hiến kế” và nhấn mạnh, ưu tiên kiềm chế lạm phát trước mắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chăm lo an sinh xã hội, đồng thời phải tính tới các bước đi cơ bản lâu dài là tái cấu trúc nền kinh tế. Có nhiều việc không thể chần chừ, phải bắt tay làm ngay như: Tái cấu trúc đầu tư, trước hết là đầu tư công gắn với kiểm soát nợ công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mạnh hơn, cấu trúc lại hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, tái cấu trúc thể chế, trong đó có tài chính công, quy hoạch, phân cấp - phân quyền…