Không thể bó tay

ANTĐ - Giá xăng vừa giảm xuống còn 13.750 đồng/lít A92, trong lần điều chỉnh thứ tư liên tiếp chỉ trong vòng 40 ngày đầu năm 2016. Nếu tính từ nửa cuối năm 2015, giá xăng đã giảm tới 16 lần. Đây cũng là mức giá thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua kể từ 2009. Trong khi giá xăng kéo giảm như vậy thì một nghịch lý vẫn đang diễn ra là giá cước vận tải hầu như bất động, giá cả nhiều mặt hàng khác cũng đứng yên, gây bức xúc dư luận.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu giá xăng trong nước giảm 10% sẽ giúp chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm 0,57%, CPI giảm được 0,55% và GDP sẽ tăng 0,91%.

Với mức giảm giá xăng dầu tới gần 30% trong gần 4 tháng qua, tác động đối với kinh tế sẽ tương đối tốt nếu giá cước vận tải cũng như các mặt hàng cũng giảm tương ứng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao phải kéo giá cước vận tải giảm theo giá xăng dầu thì mới có tác động trực tiếp và tích cực đối với nền kinh tế như mong đợi. 

Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kỳ vọng, nếu các doanh nghiệp trong ngành vận tải đồng lòng giảm giá cước, chắc chắn giá thành nhiều sản phẩm sẽ giảm theo. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vận tải lại cố tình lơ đi khi giá xăng giảm đang đúng vào mùa làm ăn, nên chẳng có doanh nghiệp nào nghĩ đến chuyện giảm giá cước nếu không có cơ quan quản lý thúc ép.

Hơn thế, họ còn đổ lỗi cho thủ tục xin điều chỉnh tăng - giảm giá nhiêu khê. Đằng sau lý lẽ này còn một nguyên nhân sâu xa cần phải “mổ xẻ”. Lâu nay, cơ quan quản lý không đưa ra khung cơ cấu giá hình thành nên giá cước phí vận tải, trong đó bao nhiêu phần trăm là giá xăng dầu, giá các chi phí khác. Bởi thế không xử lý được tình trạng giá xăng dầu tăng, ngay lập tức giá cước vận tải tăng. Ngược lại, giá xăng dầu giảm thì giá cước cứ lặng yên. 

Một số chuyên gia nhận định, thị trường giá cước vận tải ở Việt Nam hiện nay không sòng phẳng, không công bằng. Thị trường giá cước không cạnh tranh lành mạnh bởi có dấu hiệu ngầm “bắt tay nhau” ấn định giá. Sự can thiệp của cơ quan quản lý dường như thiếu công cụ để thực hiện có hiệu quả.

Có thể nói, gốc gác của tình trạng doanh nghiệp chây ì giảm giá cước vận tải nằm ở cơ chế. Mỗi lần thanh tra vào cuộc để kiểm tra giá cước thì phải mất 1-2 tháng sau mới có thể xử lý các hãng vận tải vi phạm. Chưa kể, mỗi lần tăng - giảm giá cước, doanh nghiệp phải đăng ký kê khai, thông qua thanh tra, kiểm tra rồi mới được điều chỉnh. Vấn đề nóng đặt ra là, cơ quan quản lý nhà nước không cần bắt doanh nghiệp phải kê khai, đăng ký giá, mà nếu thấy giá cước bất hợp lý thì cần lập tức tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt thật nặng. 

Cục Quản lý giá cho biết, sau đợt giảm giá xăng lần này sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý giá. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, cơ quan quản lý sẽ không bó tay trước thực trạng xăng dầu giảm giá mà giá cước vận tải chậm nhúc nhích như thế này.