Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật Báo chí (sửa đổi):

Không thể bỏ ngỏ truyền thông xã hội

ANTĐ - Ngày 18-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, việc đưa hay không đưa loại hình truyền thông xã hội, trang tin điện tử tổng hợp… vào phạm vi của Luật Báo chí (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau.

Không thể bỏ ngỏ truyền thông xã hội  ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp ngày 18-2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chưa đáp ứng được thực tiễn

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, có ý kiến đề nghị đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại Luật Báo chí (sửa đổi), song cũng có ý kiến không đồng tình. Hiện nay, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, Nhà nước không cấp phép, cũng không trực tiếp quản lý.

Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy lại thông tin từ các báo, biên tập và phát hành trên mạng. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép không đưa loại hình này vào phạm vi quản lý trong Luật Báo chí (sửa đổi). 

Tuy nhiên, tại phiên họp, nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm nêu trên. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, “việc kiểm soát thông tin trên mạng trong luật hiện nay không đáp ứng được thực tiễn”. “Nếu chưa kiểm soát được bên ngoài thì phải tăng cường quản lý từ bên trong. Hiện nay, chúng ta mới chỉ quản lý được 40%, còn 60% vẫn bỏ ngỏ” - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội nói.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nghi ngại: “Trang tin điện tử tổng hợp do cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cấp phép, lượng truy cập rất lớn, người dân vào đọc nhiều mà lại bỏ ra ngoài luật, không quản lý, vậy thì không biết quản lý thế nào?”. 

Không thể bỏ ngỏ truyền thông xã hội  ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son giải trình thêm về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Muốn hạn chế hay cấm thì phải dùng luật

Giải trình vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, Luật Báo chí chỉ quản lý loại hình báo chí do Nhà nước thành lập, không tư nhân hóa báo chí. Vì thế, không đưa truyền thông xã hội vào phạm vi quản lý của luật, bởi nếu đưa vào thì vô hình trung là thừa nhận truyền thông xã hội, blog cá nhân hay trang tin điện tử tổng hợp cũng là loại hình báo chí. Trước mắt, sẽ quản lý các loại hình này bằng Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Chưa yên tâm với cách lý giải này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Quyền tự do báo chí chỉ bị hạn chế bằng luật. Do đó, nếu muốn hạn chế gì, cấm gì, phải đưa vào luật chứ không thể quản bằng nghị định được. Thông tin trên mạng Internet hiện rất phổ biến, mọi người vào đọc rất nhiều, nói đây không phải là báo chí nên không đưa vào luật là không ổn, cũng không thể nói là có nghị định rồi thì không đưa vào luật nữa”.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Quản lý không có nghĩa là siết lại, không cho làm mà phải tính toán để đảm bảo dân chủ, phát huy quyền tự do, chỉ trừ những vấn đề pháp luật hạn chế vì đụng chạm tới lợi ích của nhân dân, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội... Nếu chưa quy định cụ thể được những nguyên tắc nói trên thì không ổn, phải tập trung hoàn thiện thêm dự thảo”.

Sẽ quy hoạch báo chí ra sao?

Đề cập đến một vấn đề rất được quan tâm khác là đề án quy hoạch lại báo chí, Bộ trưởng 

Nguyễn Bắc Son nhắc lại quan điểm “báo chí không cần nhiều, chỉ cần tinh” và không tư nhân hóa báo chí. “Theo quy hoạch báo chí đã được Bộ Chính trị cho ý kiến thì tới đây các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không có báo in và báo điện tử như hiện nay. Tương tự, các đầu mối được phép thành lập cơ quan báo chí cũng sẽ thu gọn lại, tiến tới chỉ cấp tỉnh mới có cơ quan báo chí. Mỗi tỉnh, thành phố chỉ có 1 tờ báo và nhiều ấn phẩm; các sở, ngành không có báo in” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thông tin.

Trước ý kiến băn khoăn là với các sở, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang có báo in, báo điện tử hoạt động tốt thì xử lý như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, các tập đoàn, tổng công ty sẽ không có báo in, báo điện tử như hiện nay nhưng nếu cần thiết có thể có tạp chí… 

Nhất trí nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi

Cũng trong ngày 18-2, UBTVQH đã cho ý kiến về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành điều chỉnh độ tuổi trẻ em, từ dưới 16 tuổi như luật hiện hành, lên thành dưới 18 tuổi để phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng như tình hình thực tế của đất nước.