Không thể bị động mãi

ANTĐ - Bài học về quản lý xe đạp điện, xe máy điện vẫn còn mới nguyên. Chỉ qua vài năm, cơ quan quản lý còn đang mơ hồ, thì xe đạp điện, xe máy điện không biển kiểm soát đã kịp “phủ sóng” khắp các đô thị lớn, gây ra những hệ lụy tiêu cực cho môi trường sống, trật tự đô thị và an toàn giao thông trong khi không có chế  tài xử lý vi phạm, không có cơ sở, tiêu chí để kiểm soát chất lượng và đánh giá tác động tới môi trường... 

Nhiều năm sau khi chiếc xe điện đầu tiên có mặt ở Việt Nam, tới khi xã hội bức xúc lên tiếng, các chính sách quản lý mới vội vã ra đời để khỏa lấp lỗ hổng pháp lý. Giá như chúng ta không bị động, ngay khi xe đạp điện, xe máy điện mới du nhập, chưa tràn ngập thị trường, người dân được tiếp cận ngay với các chính sách này thì đã không có sự bối rối, lúng túng, thậm chí tranh cãi “thế nào là xe máy điện” như hiện nay.

Câu chuyện tương tự đang có nguy cơ tái diễn khi nhiều diễn đàn mạng lập lờ đánh tráo khái niệm xe ô tô điện, chào bán các mặt hàng xe điện 3, 4 bánh chở người với giá “bèo”. Đây có thể nói là loại xe “3 không”: Không đủ tiêu chuẩn thiết kế là xe ô tô; Không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Không được phép đăng kiểm và lưu thông trên đường. 

Xe ô tô điện dùng để chở khách du lịch tại Hà Nội và một số địa phương khác đã hoạt động được hơn 4 năm nay nhưng cơ quan đăng kiểm vẫn nói đang thí điểm. Dư luận ngạc nhiên bởi không hiểu thí điểm kiểu gì mà lâu thế? Vì sao chính sách quản lý cứ mãi “sinh sau đẻ muộn”, phải “chạy” theo thực tế cuộc sống như vậy? Trong khi, đáng ra, chính sách phải đi trước một bước, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để người dân, doanh nghiệp có cơ sở giao dịch, mua bán, sở hữu và sử dụng phương tiện một cách hợp pháp, kinh tế và hiệu quả nhất.

Đừng để tới lúc xe ô tô điện chạy đầy đường, nhiều chiếc biến thành “xe điên” gây tai nạn, mất trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, bóp nghẹt sản xuất của các hãng xe ô tô nội địa... thì cơ quan Nhà nước mới cuống cuồng vào cuộc bịt lỗ hổng chính sách để siết lại quản lý và tranh cãi xem “thế nào là xe ô tô điện”! Cảnh báo hôm nay có thể thành hiện thực trong nay mai nếu chúng ta không sớm hành động. Thực tế đang đòi hỏi nhà quản lý phải luôn tỉnh táo và có tầm nhìn 10, 20 năm thậm chí lâu hơn nữa để đưa ra những quyết sách có lợi cho dân, cho nước. Nếu chúng ta cứ mãi bị động, không chỉ người tiêu dùng bị thiệt mà nền kinh tế và môi trường sống của cộng đồng cũng sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.