Không thay đổi quan điểm về Biển Đông dù Trung Quốc cung cấp vaccine Covid-19 cho công dân Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù, Indonesia hiện đang hợp tác với Trung Quốc để cung cấp vaccine Covid-19 cho công dân nước này, nhưng điều này không ảnh hưởng đến quan điểm của Jakarta về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi

Indonesia không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng nước này từng căng thẳng với Trung Quốc về quyền đánh bắt xung quanh quần đảo Natuna ở phía Nam Biển Đông. Khi được hỏi liệu việc hợp tác vaccine Covid-19 có ảnh hưởng đến quan điểm của Indonesia trên vùng biển tranh chấp hay không, bà Marsudi trả lời: “Tôi có thể trả lời hoàn toàn chắc chắn là không.

Đó là hai việc khác nhau và khi làm việc cùng nhau, không phải là hợp tác không bình đẳng hay chỉ mang lại lợi ích cho một bên, trong trường hợp này là Indonesia. Mà các công ty Trung Quốc và cả Trung Quốc, cũng được hưởng thành quả hoặc lợi ích của sự hợp tác này. Đó là lợi ích hai chiều” - bà Marsudi trả lời phỏng vấn Channel News Asia.

Thời gian qua, bà Marsudi đã từng nhiều lần nhắc lại rằng Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và bản đồ đường chín đoạn mà Trung Quốc sử dụng làm cơ sở cho các yêu sách của họ ở vùng biển này là không có cơ sở pháp lý quốc tế.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, hiện đang tham gia vào cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối trên người đối với vaccine Covid-19 của hãng Sinovac Biotech Trung Quốc. Ngoài ra, Indonesia còn đang phối hợp với một công ty khác của Trung Quốc là Sinopharm nhằm đảm bảo 260 triệu người dân nước này được tiêm ngừa Covid-19. Bà Marsudi cũng cho biết, ngoài hợp tác với Trung Quốc, Indonesia cũng đang phát triển vaccine của riêng mình và cũng hợp tác với các quốc gia khác như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hàn Quốc. Chính phủ nước này cũng đang đàm phán với Anh về hợp tác vaccine Covid-19.

Tháng trước, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Indonesia ngoài khơi đảo Natuna và chỉ rời đi sau khi phía Indonesia nhiều lần cảnh báo. Trả lời về tình hình mới nhất ở vùng biển Natuna, bà Marsudi nói rằng, một tàu từ nước khác có thể ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia nếu nó chỉ đi ngang qua, chứ không phải là để thực hiện yêu sách lãnh thổ.

“Nếu mục đích là thực hiện yêu sách (của Trung Quốc) về đường chín đoạn, thì điều đó là không thể được. Nhưng sau khi chúng tôi liên lạc, thông qua các kênh ngoại giao, con tàu sau đó đã di chuyển”, nhà ngoại giao hàng đầu của Indonesia cho biết. Hồi tháng 12 năm ngoái, các tàu đánh cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc cũng đi vào vùng biển Natuna và

Indonesia đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để phản đối. Indonesia sau đó đã triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu đến Natuna. Sau nhiều ngày căng thẳng, Tổng thống Joko Widodo đã tới thăm một căn cứ quân sự ở khu vực này. Sau đó, các tàu Trung Quốc đã rời đi.