Không tham gia đấu thầu tại Việt Nam: Thiệt nhiều hơn chính là Trung Quốc

ANTĐ - Những dự đoán của các chuyên gia kinh tế đã được chứng thực, Trung Quốc đã “chơi con bài” gây sức ép kinh tế đối với Việt Nam. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một quan chức làm việc tại một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc cho biết, công ty này đã được Bộ Thương mại Trung Quốc gọi điện thông báo về lệnh tạm thời cấm các công ty quốc doanh tham gia đấu thầu hợp đồng mới ở Việt Nam. 

Một số nguồn tin khác cũng cho biết, 3 nhà thầu khác đang hoạt động tại Việt Nam cũng đã được thông báo về lệnh cấm trên. Trên các cửa khẩu phía Bắc, từ gần nửa tháng nay, số lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giảm rõ rệt. Liệu con bài gây sức ép về kinh tế có gây khó khăn được cho Việt Nam? Chính các nhà kinh doanh Trung Quốc đã có câu trả lời: Người thiệt thòi nhiều hơn cả chính là Trung Quốc. Bởi như một chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định: “Trung Quốc không thể đe dọa sự phát triển kinh tế của Việt Nam, vì sự hiện diện của các nhà đầu tư Trung Quốc ở đó là quá nhỏ”.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công 
bị chậm tiến độ và đội giá

Nhìn lại những quan hệ kinh tế dang dở với Trung Quốc

Ngoài những mối quan hệ thương mại, lệnh cấm của Trung Quốc nhằm tác động vào lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam của các doanh nghiệp Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ có khoảng 7 tỷ USD, không đáng kể so với hàng trăm tỷ vốn FDI của các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam. Và đầu tư của Trung Quốc chủ yếu cũng vào những ngành ăn xổi ở thì, mong kiếm lãi sớm. Có thể ví dụ cả năm 2012, vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc chỉ có 345 triệu USD thì riêng năm 2013 họ đầu tư vào Việt Nam tới 2,3 tỷ USD. Họ đầu tư vào đâu? Vào dệt nhuộm và các phụ liệu ngành may mặc về da giày. Lý do đơn giản, năm 2013, chúng ta đang thương thảo để tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Và nếu mọi việc xong xuôi, những hàng hóa, nhất là may mặc và da giày sẽ được giảm thuế vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Australia với mức thuế bằng 0. Điều ấy chứng tỏ cơ hội rất cao của các nhà đầu tư Trung Quốc. Ngay chứng khoán, thú vui gây nghiện của dân Trung Quốc hiện nay, nhưng đầu tư trong lĩnh vực này của Trung Quốc tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chỉ chiếm 0,33% tổng vốn ngoại trên thị trường. Như vậy riêng lĩnh vực đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp, vốn FDI của Trung Quốc không đáng kể, việc rút vốn dẫu có xảy ra cũng không hề ảnh hưởng tới kinh tế chúng ta.

Vậy còn tài chính? Có ghê gớm không, có đáng mặt đàn anh không, có xứng đáng vị thế của ông hàng xóm có một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không? Càng không. Trong cuộc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Chính ngày 11-6 tại Quốc hội vừa qua, trả lời một câu hỏi về số tiền Trung Quốc đã cho chúng ta vay trong những năm vừa qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khẳng định ngay: Không đáng kể và không thể tạo ra sự phụ thuộc của nền tài chính chúng ta vào Trung Quốc. Còn các chuyên gia tài chính, căn cứ trên các tài liệu cập nhật cũng xác định, số nợ Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 5% tổng nợ nước ngoài. Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết ngay trong kỳ họp: Trong hàng trăm dự án hạ tầng giao thông, Trung Quốc chỉ tài trợ (cho vay) có 3 dự án nhỏ, thậm chí là rất nhỏ. Những khoản vay này đều có thời hạn trả nợ dài mà Trung Quốc cũng không thể thu hồi ngay theo luật pháp quốc tế và theo các thỏa thuận bằng văn bản cụ thể.

Lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực tài chính, Trung Quốc không làm khó được Việt Nam. Vậy họ có thể làm khó cái gì? Có một lĩnh vực mà trước đây với ưu thế giá rẻ họ đã chiếm thị phần lớn ở Việt Nam, đó là thị trường tổng thầu. Trung Quốc chiếm phần lớn các hợp đồng tổng thầu ở Việt Nam, đặc biệt là các hợp đồng “chìa khóa trao tay” (EPC), nghĩa là họ chịu trách nhiệm xây lắp hoàn thiện và bàn giao, ta chỉ còn việc vận hành. Và đấy là nguyên nhân ngay khi quan hệ hai nước căng thẳng, họ đã cấm các doanh nghiệp quốc doanh của họ tham gia đấu thầu tại Việt Nam.

Thực trạng Trung Quốc tham gia đấu thầu tại Việt Nam

Với ưu thế giá rẻ có khi chỉ bằng 70% so với các nhà thầu quốc tế, Trung Quốc đã là tổng thầu của hầu hết các dự án trọng điểm của nước ta. Theo số liệu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tính đến năm 2010, có tới 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam được đảm nhận bởi nhà thầu Trung Quốc. Trong ngành công nghiệp ximăng có 24 nhà máy thì có đến 23 nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu EPC, nhà thầu dành toàn bộ phần việc của thầu phụ, thậm chí mang cả người Trung Quốc sang làm những công việc giản đơn như khuân vác, phụ hồ... Với ngành năng lượng, các nhà máy nhiệt điện đốt than, trong 20 dự án có tới 15 dự án nhà thầu Trung Quốc trúng thầu EPC. Ngành công nghiệp nhôm và bauxite, cả 2 dự án bauxite do Tập đoàn CN Than - Khoáng sản làm chủ đầu tư đều do Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Với các nhà máy sàng tuyển than, Vinacomin đầu tư 3 nhà máy thì cả 3 đều do Trung Quốc làm tổng thầu.

 Trong 10 dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông, năng lượng, hóa chất, luyện kim, đều có nhà thầu Trung Quốc tham gia, trong đó phải kể đến như công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (EPC), đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, nhà máy gang thép Lào Cai, Nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhiệt điện Mông Dương 2... đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc.

 Thời gian qua cũng xác định nhiều dự án nhà thầu Trung Quốc đảm nhận xảy ra tình trạng chậm trễ, kéo dài thời gian thi công rồi yêu cầu chủ đầu tư bù giá khiến vốn đầu tư bị đội lên. Trong số các dự án bị chậm trễ có 30 dự án trọng điểm quốc gia. Dự án đội vốn mới đây nhất của nhà thầu Trung Quốc gây lùm xùm là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bị chậm trễ dẫn đến đội vốn gần 100%. Cuối tháng 4-2014, trong danh sách những công ty có năng lực yếu kém, Bộ GTVT cũng đã điểm mặt 4 nhà thầu Trung Quốc gồm Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc; Công ty Xây dựng Quảng Tây; Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc; Công ty Cổ phần Hữu hạn Viễn thông Trung Hưng (ZTE - Trung Quốc). Đáng chú ý là các công ty này đều đang đảm nhận nhiều công trình giao thông trọng điểm và có vốn đầu tư lớn.

Nhưng hệ lụy lớn hơn chính là việc các ngành công nghiệp xây lắp, cơ khí chế tạo bị kìm giữ, chậm phát triển. Ở hầu hết các dự án do Trung Quốc tổng thầu thường dành luôn các gói thầu phụ, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án này hầu hết là bằng 0, trong lúc hầu hết các máy móc, cấu kiện chúng ta đều có thể tự sản xuất được. Hệ lụy nữa là hầu hết các nhà thầu Trung Quốc, năng lực tài chính yếu kém nên thường làm chậm tiến độ, đẩy chi phí, dự toán lên cao, để hoàn thiện chúng ta buộc phải điều chỉnh dự toán. Có thể lấy dự án Nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công, với tổng mức đầu tư vượt lên lần lượt tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng; tăng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

Trung Quốc không tham gia đấu thầu, mừng hay lo?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nói: “Nếu nhà thầu Trung Quốc bỏ Việt Nam thì cũng không có gì đáng lo”. Theo Bộ trưởng, hiện năng lực các nhà thầu trong nước cũng đã cải thiện đáng kể nên hoàn toàn có thể chủ động được các công việc hiện nay. Đã từ lâu trên các diễn đàn kinh tế, các nhà thầu trong nước cũng như quốc tế đã mong đến ngày, hoặc chúng ta thay đổi Luật Đấu thầu hoặc Trung Quốc bỏ thị trường. Và bây giờ thì đây chính là cơ hội chúng ta có thể giải quyết gọn các dự án mà không phải đau đầu với các trò mè nheo, sự vô trách nhiệm của các nhà thầu Trung Quốc. Để khắc phục những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra trong tương lai, giải pháp được các chuyên gia đề cập là Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện hơn cho nhà thầu trong nước và vật tư, sản phẩm chế tạo trong nước. Đưa nguồn gốc xuất xứ hàng hóa vào tiêu chí đánh giá có mức độ ưu tiên cho phần dịch vụ thiết bị chế tạo trong nước, không chỉ xét tiêu chí giá rẻ, mà cần quan tâm đến vòng đời kỹ thuật dự án thì nhà thầu Trung Quốc dẫu có được phép quay lại cũng khó có cơ hội trúng thầu.

 Và với những cơ hội đó, doanh nghiệp trong nước ngày càng mạnh lên để có nội lực so găng với đối thủ sát vách “lắm võ nhiều mưu”.