Nghệ sỹ violon Lê Hoài Nam:

“Không sức ép, nghệ sĩ không khác…băng cassette”

ANTĐ - Đang sinh sống và làm việc tại Hồng Kông (Trung Quốc), nghệ sỹ  violon Lê Hoài Nam - người Việt Nam đầu tiên vinh dự trở thành chỉ huy của dàn nhạc trẻ châu Á đã trở về Hà Nội để tham gia biểu diễn trong đêm hòa nhạc cổ điển Toyota diễn ra vào tối 4-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với anh, mỗi lần trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” đều đem lại cảm xúc đặc biệt... 

“Không sức ép, nghệ sĩ không khác…băng cassette”  ảnh 1

- PV: Hà Nội có phải là nơi bắt nguồn cho những cảm xúc của anh trên sân khấu?

- Nghệ sỹ Lê Hoài Nam: Đã từng biểu diễn ở những khán phòng diễm lệ, xa hoa tại các nước trên thế giới nhưng mỗi lần trở lại Hà Nội, trở lại khán phòng của Nhà hát Lớn biểu diễn đối với tôi luôn là một cảm xúc đặc biệt. Khi cầm cây đàn violon cất lên những giai điệu du dương, tôi cảm nhận được sự xúc động của một người con xa quê trở lại cố hương. Đối với người nghệ sỹ, cảm xúc luôn tạo nên những cảm hứng sáng tạo trong nghệ thuật để mỗi lần biểu diễn tại Hà Nội, tôi thấy mình như nhỏ lại, bình dị với thiên chức của người nghệ sỹ là mang đến cho khán giả nước nhà những âm thanh, những cảm nhận đồng điệu của tác giả và công chúng. 

- PV: Lần trở lại này, anh thấy có khác nhiều so với những lần đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn trước đây? 

- Nghệ sỹ Lê Hoài Nam: Mỗi khán phòng và lượng khán giả khác nhau sẽ tạo nên sức ép nhất định với nghệ sỹ biểu diễn. Trở lại Hà Nội lần này, tôi cùng lúc chịu 2 sức ép đến từ sự kỳ vọng của khán giả nước nhà và sự thành công của đêm diễn khi được đứng chung sân khấu cùng dàn nhạc lừng danh thế giới đến từ thành Vienna (Áo). Nhưng đối với tôi, sức ép mới là điểm hấp dẫn nhất đối với người nghệ sỹ. Nếu không có sức ép trong từng đêm diễn, người nghệ sỹ biểu diễn sẽ không khác gì cái băng cassette bật lên để nghe. Tham gia vào chương trình này, tôi sẽ biểu diễn 2 tác phẩm của nhà soạn  nhạc người Nga Tchaikovsky và nhà soạn nhạc người Pháp Saint-Saens. Tôi tin đây sẽ là chương trình có tính nghệ thuật cao và mang đến cho những người thưởng thức âm nhạc cổ điển một chuyến du lịch thú vị đầy màu sắc tới nhiều quốc gia thông qua giai điệu tuyệt vời của âm nhạc. 

- PV: Yêu Hà Nội, sao anh không trở về quê hương sinh sống và làm việc?

- Nghệ sỹ Lê Hoài Nam: Ồ, có lẽ là do tôi còn trẻ (cười). Tuổi trẻ thường thích xông pha và trải nghiệm mà! Tôi không quá gò bó mình về nơi sinh sống mà điều quan trọng, người nghệ sỹ đó có đóng góp gì cho Tổ quốc, cho xã hội. Hà Nội và Hồng Kông cách nhau 2 giờ bay rất thuận tiện cho việc trở lại thăm quê, ở đó tôi còn cha - người đã dẫn dắt tôi bước vào con đường nghệ thuật và người anh trai rất đỗi thân thương. 

- PV: Được biết, ngoài công việc của một nghệ sỹ “solo” với lịch diễn dày đặc trên khắp thế giới, anh còn tham gia công tác giảng dạy. Với mật độ làm việc liên tục, thời gian với anh có bao giờ là đủ?

- Nghệ sỹ Lê Hoài Nam: Để nói về mức độ đủ hay không thật khó, nhưng tôi nhận thấy việc dành quá nhiều thời gian cho công việc và giảng dạy cũng là một sự hy sinh của người nghệ sỹ. Nhớ ngày còn bé, tôi luôn ganh tị với các bạn cùng tuổi khi họ có đủ thời gian để đi học, đi chơi, còn tôi thì chỉ biết đến đi học và tập đàn. Khi lớn lên, vòng xoáy của công việc đã cuốn tôi đi. Một ngày thật là ngắn ngủi và thường bắt đầu với buổi sáng tập đàn, buổi chiều giảng dạy và đến khi cất đàn thì đã là nửa đêm. Nhưng phần thưởng cho những hy sinh cá nhân của tôi dành cho nghệ thuật là những giây phút hòa mình cùng cây đàn violon, vào dòng âm nhạc, âm thanh đầy ma lực. 

- PV: Bên cạnh âm nhạc, anh còn niềm đam mê nào khác không?

- Nghệ sỹ Lê Hoài Nam: Thời gian rỗi, tôi thường dành để đọc một vài cuốn sách. Đọc nhiều, am hiểu nhiều sẽ giúp tôi thẩm thấu âm nhạc tốt hơn và nhờ đó sẽ trình diễn tác phẩm sâu sắc hơn. 

- Xin cảm ơn nghệ sỹ và chúc anh có đêm biểu diễn thành công!

Nghệ sỹ violon Lê Hoài Nam (1980) hiện đang là bè trưởng violon 2 của Dàn nhạc Hồng Kông Sinfonetta và giảng dạy tại Học viện Biểu diễn nghệ thuật Hồng Kông chuyên ngành violon và hòa tấu thính phòng. Anh từng tham gia biểu diễn tại nhiều nước châu Âu, châu Á với tư cách là nghệ sỹ độc tấu, hòa tấu thính phòng, nhạc công giao hưởng.