Không sòng phẳng

ANTĐ - Bất ngờ, hôm 19-12 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố quyết định tăng giá điện thêm 5% bắt đầu từ ngày 20-12. Theo đó, giá bán điện bình quân sẽ tăng lên là 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 62 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân hiện hành được duyệt (1.242 đồng/kWh). Lý giải việc tăng giá điện, lãnh đạo EVN cho biết: "Việc điều chỉnh giá bán điện hiện tại là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010”. Và rằng nếu không cho tăng giá điện, EVN chỉ có nước "chết".

Thế còn các đối tượng khác trong xã hội? Dù việc điều chỉnh giá theo lộ trình và tránh gây sốc cho nền kinh tế, song tăng giá điện không tránh khỏi ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đành rằng như Bộ Công Thương cho biết, việc tăng giá điện lần này, người nghèo vẫn được hỗ trợ, ngoài hỗ trợ theo quy định hiện hành, hộ nghèo dùng dưới 100kWh/tháng vẫn được giữ giá điện như cũ. Nhưng các chuyên gia kinh tế lo ngại, giá điện tăng thời điểm này sẽ là “gáo dầu dội vào lửa”, thổi bùng lạm phát trong tháng Tết Nguyên đán.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu thông qua những lần điều chỉnh đột ngột như thế này: “Không thể nói không tăng giá bán điện cho hộ nghèo là đời sống không bị ảnh hưởng vì các mặt hàng khác đều bị đội lên. Do vậy, tôi cho rằng việc EVN bất ngờ tăng giá ở thời điểm này, dù nói thế nào đi nữa, cũng là không sòng phẳng với xã hội và người tiêu dùng. Ngành điện cũng phải xem lại mình. Bên cạnh câu chuyện đầu tư ngoài ngành thì rất nhiều khoản đầu tư “đúng ngành” của EVN cũng được đánh giá là kém hiệu quả, gây tổn thất lớn. Chính những yếu tố này đã góp phần làm đội giá thành sản xuất điện.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), năm 2010, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh viễn thông của EVN Telecom lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó kinh doanh chính lỗ gần 500 tỷ đồng, hoạt động tài chính lỗ hơn 400 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh khác lỗ 122 tỷ đồng. Việc đầu tư vào bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính cũng chỉ đạt 7,8% lợi nhuận so với giá trị đầu tư. Cũng theo KTNN, mặc dù gánh nặng lỗ và nợ đang đè trên vai, nhưng công ty mẹ và các đơn vị của Tập đoàn EVN vẫn để xảy ra sai sót khi chấp hành các quy định quản lý tài chính, kế toán trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số chỉ tiêu không đạt như chỉ tiêu về tổn thất điện năng đến 2010, chỉ tiêu lợi nhuận lỗ hơn 8.000 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá đang treo khoản lỗ 17.000 tỷ đồng... làm cho EVN không bảo toàn được vốn. Ngoài ra, tỷ lệ nợ phải trả cao gấp 4 lần nguồn vốn chủ sở hữu!!!

Báo cáo của KTNN công bố còn có một chi tiết đáng chú ý: Lãnh đạo EVN đã chuyển khoản chi phí (thiết bị đầu cuối) trị giá 1.026 tỷ đồng từ EVN Telecom cho các doanh nghiệp điện lực. Liệu có còn cách hiểu nào khác là trong giá thành điện, các khách hàng sử dụng điện đang phải chịu lỗ cho đứa con "mang họ" viễn thông của EVN?

Rõ là để cải thiện lương và đời sống ngành điện, EVN đã tăng giá bán, buộc người tiêu dùng phải móc túi nhiều hơn.

Những đồng lương cao ngất ngưởng "hạch toán" thẳng vào túi tiền của người dân vốn đã còm cõi vì lạm phát - đang được trả cho một doanh nghiệp lỗ triền miên và lập kỷ lục mới về sự thiếu hiệu quả của đồng vốn. Nếu để các tập đoàn làm ăn kiểu như vậy thì gần 90 triệu dân phải chịu lỗ cho các tập đoàn sao? Nếu như thế thì sau này các tập đoàn kinh doanh thế nào cũng được vì, thua lỗ đã có người chịu rồi sợ gì mà không làm, mỗi lần thua lỗ cứ vài nghìn tỷ đồng mà chuyện cứ nhẹ như lông hồng.

Dư luận báo chí đã rất nhiều lần cảnh báo về giá thành điện, đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt và đời sống của người dân đang phải gánh chịu hậu quả từ năng lực kinh doanh của các vị lãnh đạo EVN. Điều này đã được chứng minh qua hiệu quả đồng vốn - mà thực ra cũng là những đồng tiền thuế người dân đóng góp. Người dân đang vừa phải bỏ tiền vốn cho EVN kinh doanh, vừa đang phải chịu một giá điện “cõng” cả những bất công gồm cả các khoản nợ, hậu quả từ năng lực kinh doanh; các khoản lỗ, trong đó có lỗ tỷ giá, một biểu hiện của rủi do kinh doanh và vô lý nhất là những khoản lương “khủng” trả cho những kết quả lỗ, nợ của EVN.