Không quá nặng nề

ANTĐ - Những ngày qua, dư luận nói rất nhiều về chuyện thưởng Tết “bèo bọt” của đội ngũ giáo viên. Chia sẻ thái độ đồng cảm với ngành giáo dục nhưng anh Nguyễn Xuân Hạnh, cán bộ một công ty xây dựng tư nhân ở Hà Nội cho rằng không nên quá coi nặng chuyện thưởng Tết.

- Trong khi công nhân có mức thưởng Tết trung bình 3-4 triệu đồng thì một số địa phương vừa công bố thưởng Tết của giáo viên cao nhất chỉ 1-2 triệu đồng. Anh nghĩ gì về sự so sánh này?

- Đây là điều hết sức bình thường. Với các doanh nghiệp, thưởng Tết cho công nhân được chia từ quỹ phúc lợi hay lợi nhuận do họ làm ra, thưởng Tết cao cho công nhân cũng là cách để họ giữ được người lao động và duy trì sự phát triển bền vững. Còn giáo viên là công chức nhà nước, các trường học chủ yếu hoạt động bằng ngân sách nên không thể có nhiều tiền phúc lợi để chi thưởng Tết được.

- Giáo viên là một nghề cao cả nhưng rất nhiều người còn có đời sống khó khăn. Thưởng Tết thấp liệu có khiến họ “tủi thân”? 

- Dư luận, xã hội đồng cảm với chuyện thưởng Tết “bèo bọt” của giáo viên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên cũng không nên vì thế mà quá đặt nặng vấn đề này. Thực tế không có bất cứ quy định nào bắt buộc các cơ quan, doanh nghiệp phải thưởng Tết cho nhân viên. Thưởng Tết đơn thuần chỉ là việc làm có tính chất động viên về mặt vật chất, bên cạnh những sự động viên, hỗ trợ khác để đảm bảo đời sống người lao động. Một số bạn bè tôi làm giáo viên nhiều năm nay không có thưởng Tết nhưng không ai kêu ca cả, với họ có thì vui còn không có thì cũng...  quen rồi.

- Các ngành đều đang nỗ lực để cải thiện đời sống cán bộ nhân viên của mình. Với người giáo viên, họ có thể kỳ vọng vào điều gì?

- Do điều kiện khó khăn nên ngân sách của ngành giáo dục hiện chỉ mới đảm bảo 80% chi lương và 20% chi khác cho các trường, không có khoản nào để chi cho thưởng tết. Chỉ mong những chính sách cải cách giáo dục đi đôi với cải cách tiền lương sớm có hiệu quả để giáo viên có cuộc sống tốt hơn, không phải chạnh lòng mỗi dịp Tết đến.