Không quá hoang mang vì DEHP

ANTĐ - Gần 2 tháng nay, ngành y tế phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đợt truy lùng, thu hồi các sản phẩm thực phẩm chứa DEHP rầm rộ chưa từng thấy trên phạm vi cả nước

Thế nhưng, thông tin về DEHP vẫn đang tiếp tục gây hoang mang dư luận.

 Nhiều sản phẩm thạch rau câu, nước giải khát bị phát hiện chứa DEHP
 Nhiều sản phẩm thạch rau câu, nước giải khát bị phát hiện chứa DEHP

DEHP “bao vây” cuộc sống
Vụ việc bắt đầu từ cuối tháng 5-2011 khi Cơ quan Y tế Đài Loan thông báo phát hiện một công ty phụ gia thực phẩm hàng đầu của nước này đã đưa chất DEHP - vốn là phụ gia tạo đục được sử dụng trong công nghiệp vào thực phẩm. Các nhà khoa học cho rằng việc DEHP được dùng trong thực phẩm có thể gây ung thư, phá vỡ tuyến nội tiết và làm thay đổi lượng hoócmôn trong cơ thể, gây rối loạn hoócmôn sinh dục nữ và giảm lượng tinh trùng đối với nam giới. Trước cảnh báo đó, Cục ATVSTP - Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một số thực phẩm (thạch, nước giải khát...) có DEHP do sử dụng chất tạo đục có xuất xứ từ Đài Loan. Đến ngày 28-6, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2204/QĐ-BYT quy định tạm thời mức giới hạn nhiễm chéo DEHP trong thực phẩm.

Ngoài một vài thực phẩm đã được phát hiện chứa DEHP như thạch rau câu Taro, nước giải khát… chưa ai dám khẳng định liệu loại hóa chất độc hại này còn có trong các thực phẩm khác nữa hay không? Mặt khác, DEHP là hóa chất tạo đục dùng trong công nghiệp chế biến nhựa, trong khi nền công nghiệp này hiện phát triển vô cùng nhanh chóng và phổ biến, các đồ dùng được làm từ chất dẻo công nghiệp ngày càng nhiều. Do đó, thực phẩm có thể bị nhiễm DEHP từ bao bì tiếp xúc, từ quá trình sản xuất, từ môi trường xung quanh và đi vào cơ thể người.

Tại Hội thảo “DEHP và sức khỏe cộng đồng” được tổ chức sáng 13-7 tại TP Hồ Chí Minh, GS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP Hồ Chí Minh cho biết, trong y tế, DEHP chiếm 20-40% nguyên liệu làm ra các ống truyền dịch, truyền máu, găng tay, mâm dụng cụ… Hiện nhiều BV đang sử dụng thiết bị nhựa PVC (polyvinyl chloride) là plastic dùng nhiều trong thiết bị y tế, loại nhựa này có tỷ lệ chứa DEHP rất cao. Ngoài ra nó còn có trong vật liệu xây dựng, y phục, áo mưa, bao bì thức ăn, đồ chơi trẻ em và dược phẩm.

Không hẳn cứ chứa DEHP là độc?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, sự thật là DEHP đang có mặt trong rất nhiều sản phẩm làm bằng đồ nhựa (nhất là nhựa cứng PVC), nó được đưa cả vào thực phẩm. Dù vậy, theo quan điểm về độc tố học thì không có một loại thực phẩm nào mà không chứa một lượng chất độc hại nhất định, vấn đề là hàm lượng độc hại chiếm bao nhiêu, có thôi nhiễm không và hàm lượng thôi nhiễm ra sao? Đó là lý do mà Bộ Y tế ban hành quy định tạm thời mức giới hạn nhiễm chéo DEHP trong thực phẩm, trong đó quy định mức DEHP nhiễm chéo cho phép là 1,5mg/kg đối với thực phẩm rắn và lỏng (không bao gồm nước uống đóng chai). Mức giới hạn này được gọi là ngưỡng an toàn, nghĩa là chất DEHP có trong thực phẩm nhưng ở mức không gây ngộ độc cấp tính cũng như ngộ độc trường diễn cho con người.

Trên thực tế, có thể 20-40% dụng cụ y tế có chứa DEHP đang được sử dụng, song điều này có đáng ngại không, có gây hại đến sức khỏe hay không thì chưa có đầy đủ căn cứ để chứng minh. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lấy ví dụ, người ta thường dùng nhựa PVC để sản xuất bơm kim tiêm trong y tế nên khả năng bơm kim tiêm chứa DEHP là rất cao. Tuy nhiên, để DEHP có trong bơm kim tiêm thôi nhiễm, gây độc cho con người thì cần có các điều kiện: loại thuốc trong bơm tiêm có phải là chất gây thôi nhiễm (chất hòa tan DEHP) hay không, thời gian có lâu không, nhiệt độ có cao không… Trong khi thuốc tiêm thường không bị đun nóng, thời gian bơm thuốc và tiêm cho người bệnh diễn ra rất ngắn, các loại thuốc nước không hòa tan DEHP, nên nếu bơm kim tiêm có chứa DEHP thì cũng không hẳn sẽ gây độc…

Tương tự, DEHP cũng có mặt trong rất nhiều sản phẩm đồ nhựa như xô, chậu, ống dẫn nước, đồ chơi trẻ em… PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, nếu sử dụng các sản phẩm này nhưng DEHP không thôi nhiễm thì cũng không gây hại. Trong trường hợp DEHP thôi nhiễm nhẹ và đi vào cơ thể con người thì cơ thể sẽ tự đào thải, chỉ khi DEHP thôi nhiễm ở nồng độ nhất định mới gây độc hại. Chẳng hạn, nếu trẻ chơi đồ chơi bằng nhựa chứa DEHP không có hại, nhưng nếu ngậm, gặm đồ chơi đó trong miệng thì sẽ có hại vì trong miệng có chất gây thôi nhiễm DEHP… Do đó, dù sản phẩm chứa DEHP “bao vây” xung quanh cuộc sống của chúng ta thì chúng ta cũng không nên quá lo ngại, hoang mang. Nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là phải xử lý nghiêm hành vi cố ý đưa DEHP vào thực phẩm, kiểm tra, giám sát chặt giới hạn DEHP trong thực phẩm cũng như các sản phẩm khác ở mức an toàn, khuyến cáo người dân sử dụng sản phẩm một cách an toàn.