Không phải là thí nghiệm

ANTD.VN - Thi trắc nghiệm và tự luận đều có những ưu, khuyết điểm và sự khác biệt. Đối với thi tự luận chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào kỹ năng người chấm bài, còn với thi trắc nghiệm lại phụ thuộc vào người ra đề. 

Với bài tự luận, thí sinh tự do bộc lộ suy nghĩ, kiến thức cá nhân, còn bài trắc nghiệm chỉ chứng tỏ kiến thức thông qua tỷ lệ câu trả lời đúng. Vì vậy, ở Pháp môn Toán, Vật lý, Hóa học, hình thức thi chủ yếu là viết. Nhật Bản đang có kế hoạch áp dụng dạng đề thi mới từ năm 2020.

Theo đó, đề thi mới có nhiều câu hỏi dài, yêu cầu thí sinh phải viết câu trả lời đầy đủ thay vì chỉ đánh dấu trên bài thi trắc nghiệm. Ở Trung Quốc, Nga, bài thi Toán được chia thành hai phần, phần thứ nhất bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm, phần thứ hai là bài thi tự luận. Các địa phương có thể chọn đề khác nhau từ bộ đề thi quốc gia. 

Như vậy ở các nước rất thận trọng, cân nhắc lựa chọn giữa hai hình thức thi sao cho phù hợp với nền giáo dục quốc gia. Không thể chủ quan cho rằng trắc nghiệm là khách quan, khoa học rồi nóng vội áp đặt một cách khiên cưỡng vào Việt Nam, trong khi không tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia toán học thế giới cũng như trong nước. 

Điều đáng lo ngại cần phải thấy trước là việc chấm điểm môn Toán thông qua thi trắc nghiệm sẽ phá hỏng mục tiêu dạy môn Toán ở bậc THPT. Đây không chỉ là môn học truyền đạt kiến thức, mà quan trọng nhất là tạo được cho người học phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề, kỹ năng giải quyết vấn đề không chỉ dành cho Toán học, mà còn cho cả quá trình học các môn khác. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi Toán học là “linh hồn” của khoa học.

Tổng thư ký Hội Toán học cho rằng, thi trắc nghiệm môn Toán có thể áp dụng ở mức độ đơn giản, còn với các kỳ thi yêu cầu kiến thức phức tạp thì đòi hỏi việc tổ chức rất công phu, trong điều kiện hiện nay gần như chưa thể thực hiện ở nước ta. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT chưa có khảo sát, đánh giá cho thấy thi trắc nghiệm không phá đổ mục tiêu dạy học môn Toán và mang lại hiệu quả tốt hơn. Có ý kiến nói thẳng không quá lời: “Học sinh không phải là vật thí nghiệm”, có nghĩa là đừng “trắc nghiệm” nóng vội môn Toán.