Không phải là khiên cưỡng

ANTĐ - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Giới chuyên gia kinh tế cũng như giới doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới việc bỏ khái niệm “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới. Đây là một bước tiến của bản dự thảo xác định nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, tức là vai trò của các thành phần, đối tượng kinh tế phải do thị trường quyết định. Vai trò chính của Nhà nước liên quan đến định chế kinh tế là làm luật và bắt buộc thực thi luật để đảm bảo tính công bằng trong các mối quan hệ, giao dịch kinh tế.
Đây không chỉ đơn thuần là sự thay đổi một khái niệm kinh tế mà là thay đổi cả một trật tự kinh tế nhằm đạt được mục tiêu nước ta là kinh tế thị trường, mọi thành phần kinh tế đều được đối xử công bằng. Không phải “bỗng dưng” dự thảo Hiến pháp có sự sửa đổi hết sức quan trọng này. Từ thực tiễn phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả của các thành phần kinh tế tư nhân sau gần ba thập kỷ xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta, buộc phải sửa đổi điều khoản “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Bỏ được quy định “Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” hay “nòng cốt”, theo ý kiến của một số chuyên gia có uy tín, có nghĩa là mở ra khả năng thay đổi chính sách của Nhà nước, bớt những ưu đãi về vốn, đất đai, dự án cho các doanh nghiệp Nhà nước.

Thực thế trong những năm qua chứng tỏ, doanh nghiệp Nhà nước không những không đóng được đúng “vai” chủ đạo trong nền kinh tế khi hoạt động kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành gây lãng phí và thất thoát, mà các chỉ tiêu như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ lệ xuất khẩu đều thấp, trong khi tỷ lệ vốn vay trên chủ sở hữu quá cao. “Danh sách đen” hàng loạt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất đã được công bố cho thấy, cái gọi là “chủ đạo” lại trở thành gánh nặng cho ngân sách và nền kinh tế.  Rõ ràng việc từ bỏ vai trò chủ đạo này là một đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế, nhất là trong công cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ khu vực kinh tế Nhà nước để nâng cao hiệu quả đồng vốn của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và đóng góp của khu vực quan trọng này vào tăng trưởng và phát triển kinh tế. Một số tiến sĩ, chuyên gia phân tích kinh tế đóng góp ý kiến rằng, muốn đưa phần nội dung liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước vào Hiến pháp mới thì phải quy định rõ ràng về nguyên lý vận hành của doanh nghiệp để sao cho khu vực doanh nghiệp này không cản trở tự do kinh doanh của các thành phần khác, không dẫn đến độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh với dân doanh và không được làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Việc quy định này là cần thiết vì xét đến cùng doanh nghiệp Nhà nước cũng là một cơ quan của Nhà nước, vì vậy phải có quy định để ngăn cản sự lạm dụng quyền lực của Nhà nước gây phương hại đến quyền của các thành phần kinh tế khác.

Khi kinh tế phát triển mạnh mẽ, các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế cũng thay đổi theo. Hiến pháp phản ánh sự thay đổi những nguyên tắc căn bản cho phép xác định bản chất của chế độ kinh tế. Hiến pháp sửa đổi là đáp ứng đòi hỏi tự chính cuộc sống, từ nền kinh tế, mở ra một không gian rộng lớn cho luật và các văn bản pháp quy để quy định về vai trò của các thành phần kinh tế. Từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước là sự chấp thuận kinh tế thị trường một cách tự nguyện chứ không phải là khiên cưỡng.