Không phải cứ “kiêng” là đỗ

ANTĐ - Để vượt qua các kỳ thi, các sĩ tử không chỉ phải chuẩn bị tốt về kiến thức mà còn cần một sức khỏe ổn định. Tuy vậy, vin vào quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, một số bạn đã kiêng kỵ thái quá trong ăn uống, sinh hoạt, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kết quả thi cử…

Một cơ thể khỏe mạnh với lượng kiến thức đầy đủ là điều quan trong giúp thí sinh vượt qua các kỳ thi.

(Ảnh minh họa)

1001 kiểu kiêng

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 và đại học sắp tới, Vũ Hải Hà - học sinh lớp 12 thuộc quận Đống Đa, Hà Nội đã quyết định không cắt tóc, không tắm… từ đầu tháng 5 đến khi các kỳ thi kết thúc: “Những lần thi học kỳ trước em không thực hiện triệt để những điều này nên kết quả không được khả quan. Do đó, trước các kỳ thi quan trọng nhất này, em tự nhủ không được để xảy ra sơ suất. Không chỉ không cắt tóc, không gội đầu, không cắt móng tay, móng chân, em còn cố gắng… nhịn tắm. Mấy bạn thân của em cũng nói không với những việc này vì nó sẽ khiến kiến thức… rơi rụng hết. Dù khá khó chịu nhưng em chấp nhận, miễn là thi đỗ”.

Bên cạnh đó, không ít bạn còn lên kế hoạch thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. “Trong những ngày thi, mẹ em tuyệt đối không cho em ăn chuối, dưa vì sợ trượt vỏ chuối, vỏ dưa, không ăn mực vì sợ “đen như mực”, còn trứng cũng tránh xa vì sợ bị điểm 0. Ngoài ra, em cũng không ăn thịt bò sợ ngu như bò, ăn bí, ăn lạc, thịt vịt, thịt chó… Ngược lại, những đồ ăn được mẹ thường xuyên đưa vào thực đơn là thịt chim để đỗ cao, ăn tôm để… tăng sức bật, ăn đỗ, xôi đậu đỏ, chè đậu đỏ để may mắn,… Dù đã quá chán ngán những món ăn này nhưng còn hơn là thi trượt, mà nếu có trượt thì cũng không phải lỗi do em” - Xuân Thanh, 18 tuổi ở đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ thở dài. Chưa dừng lại ở đó, có sĩ tử còn ăn chay cả tháng với quan niệm “ăn chay để tâm hồn thanh khiết”, nên thay vì ăn thịt cá, bữa ăn của các sỹ tử này quanh đi quẩn lại chỉ toàn rau củ quả, đậu phụ và vừng lạc. 

Càng sát ngày diễn ra các kỳ thi tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các chùa chiền càng xuất hiện nhiều phụ huynh, sĩ tử đến cầu may. Có sĩ tử còn đặt ra cho mình quy định ngày thi, ra cửa bước chân phải trước, phải đi giờ hơn, không đi giờ kém, gặp đàn bà con gái, bà bầu hay đám cưới thì phải tránh nếu không thì sẽ gặp xui xẻo. Thậm chí nhiều bạn còn chọn người hợp tuổi với mình để đưa đi thi. 

Quan trọng nhất là kiến thức

Nguyễn Hà Ly - sinh viên Học viện Ngân hàng bày tỏ quan điểm: “Việc kiêng kị thái quá là điều không nên đối với mỗi thí sinh. Nó không những không giúp các sỹ tử gặp may mắn mà thậm chí sẽ gây hại tới sức khỏe cũng như tâm lý của họ trước ngày thi. Tôi đã từng chứng kiến có bạn ngất xỉu trong phòng thi chỉ vì không đủ chất dinh dưỡng do phải ăn cháo đậu đỏ trong nhiều ngày liên tiếp. Để có kết quả tốt nhất các bạn cần trang bị cho mình nhiều kiến thức và tự tin vào những gì đã thu nhận được”…

Còn theo bác sỹ Trần Thu Hà, bệnh viện Bạch Mai, quan niệm đồ ăn ảnh hưởng đến kết quả thi là rất vô lý. Các loại rau củ như bí xanh, bí đỏ là những loại quả chứa nhiều nước, chất xơ, chất bột đường và một số vitamin, có tác dụng bổ não, tốt cho trí nhớ. Cũng có người quan niệm ăn đậu đen sẽ dễ đen đủi nhưng trên thực tế đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành, lạc… được xếp vào nhóm giàu chất đạm, rất bổ dưỡng và cần thiết cho thí sinh. Nhiều người vẫn quan niệm ăn chuối dễ thi trượt song chuối có nhiều chất bổ dưỡng mà không loại quả nào thay thế được. Trứng ngỗng, gà, vịt… hay trứng vịt lộn cũng là những món ăn đặc biệt bổ dưỡng và thích hợp với thanh, thiếu niên trong độ tuổi đang phát triển. Trong trứng chứa nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao cùng chất béo, canxi và nhiều loại vitamin. Còn thịt bò có nhiều chất đạm, giàu sắt, bổ máu là món khó có thể bỏ qua đối với các sĩ tử  trong mùa tuyển sinh. 

Cũng theo bác sỹ Trần Thu Hà, vấn đề cần được quan tâm chính là vệ sinh an toàn thực phẩm mùa thi. Món ăn phải nấu sôi, chín kỹ, không ôi thiu, không quá hạn sử dụng. Bên cạnh đó, các sĩ tử cũng nên ăn những món quen thuộc, tránh ăn ở hàng quán không đảm bảo vệ sinh, không nên thử những món lạ bụng vì có thể gây đau bụng, tiêu chảy, dị ứng… Điều quan trọng nhất mà sĩ tử và các bậc phụ huynh cần ghi nhớ là bộ não chỉ được nạp lại đầy đủ năng lượng sau khi thí sinh ngủ đủ giấc với cơ thể sạch sẽ và khỏe mạnh. Cộng với kiến thức chắc chắn, vững vàng và tâm lí thoải mái thì việc đạt kết quả như mong đợi sẽ không phải là điều quá khó.