Không phải ai cũng hiểu

ANTĐ - Có lẽ mục tiêu lớn nhất của chiến lược tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là làm cho các “ông lớn” hoạt động tuân thủ quy luật thị trường và phải minh bạch. Chỉ một mục tiêu nhưng hoàn toàn không dễ đạt được bởi họ được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi: không sợ phá sản dù thua lỗ kéo dài, biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, tận dụng cơ chế xin-cho, ưu đãi tiếp cận vốn, vay không lo trả, khó khăn đã có người giúp. Đó là nhận định của một tiến sĩ Viện Kinh tế - Tài chính.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đặc quyền, đặc lợi, là chưa làm rõ được vai trò chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường; chưa tách bạch rõ nội hàm quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh doanh thiếu công khai minh bạch. Để những “quả đấm thép” hoạt động thực sự có hiệu quả, cần mạnh tay cắt bớt quyền ưu đãi được hưởng quá nhiều, quá lâu.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng nhấn mạnh, cần áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn như không tiêu thụ được sản phẩm, thì phải coi đó là trách nhiệm của ban giám đốc hoặc hội đồng thành viên. Các bộ, cơ quan nhà nước không được trực tiếp chỉ đạo giải quyết khó khăn giúp doanh nghiệp. Nếu tự thân không giải quyết được thì miễn nhiệm, cách chức người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp chứ không làm thay họ. Nguyên cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, các nước đang giảm dần số lượng doanh nghiệp nhà nước, chỉ đảm bảo tồn tại trong một số lĩnh vực đặc biệt như an ninh quốc phòng, bình đẳng xã hội. Duy trì nhiều doanh nghiệp nhà nước, nhiều khi không tạo ra nhiều công ăn việc làm vì nhiều chính sách của nhà nước được ban hành chỉ có lợi cho doanh nghiệp nhà nước và tước đi cơ hội của doanh nghiệp tư nhân.

Phó Giám đốc Học viện Tài chính, thành viên ban soạn thảo Đề án tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cho biết, trong quá trình tái cấu trúc, tùy vào hiện trạng của từng doanh nghiệp, nếu thua lỗ kéo dài, không thể lấy lại được vốn thì “cắt” và cho phá sản. Việc này sẽ do từng bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty xác định. Trên cơ sở xem xét lại từng ngành nghề, sẽ xây dựng chiến lược cho từng doanh nghiệp, rà soát tài chính để biết khả năng lấy lại vốn của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp không cứu vãn được sẽ cho phá sản. Điều trăn trở lớn nhất của ban soạn thảo Đề án là làm sao để hệ thống doanh nghiệp nhà nước làm ăn minh bạch, tuân thủ nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp đầu tàu phải giúp được nhà nước bình ổn được thị trường, tránh được sự thao túng của công ty tư nhân và các công ty khác. Điều quan trọng là cần đặt doanh nghiệp nhà nước vào vị thế phải bươn trải, cạnh tranh, không tạo ra những lợi thế như trước đây. Chẳng hạn, tước bỏ quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tất yếu sẽ “đụng chạm”  đến các nhóm lợi ích. Chính lợi ích nhóm đã chi phối và làm hao hụt vốn nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Chẳng hạn; khi sáp nhập một số công ty con sẽ có nhiều tổng giám đốc “bỗng dưng” phải làm phó hoặc chuyển đi nơi khác.

Ban soạn thảo Đề án tái cấu trúc bày tỏ lo ngại rằng, quá trình này sẽ đem lại nhiều lợi ích chung, nhưng không phải ai cũng hiểu, có người cố tình không hiểu vì liên quan đến quyền lợi của họ. Nếu không giải được “bài toán” lợi ích nhóm thì nhiều tập đoàn, tổng công ty khó tái cấu trúc thành công.