Không phá giá tiền đồng Việt Nam

ANTĐ - Trước những đề xuất nới tỷ giá để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ quan điểm của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là không giữ tỷ giá một cách “vô lý” và việc điều hành tỷ giá cần được thực hiện một cách thận trọng nhằm hỗ trợ xuất khẩu, nhập khẩu và bình ổn mặt bằng giá cả.

NHNN cho biết việc điều hành tỷ giá cần được thực hiện một cách rất thận trọng

Giữ ổn định tỷ giá là cần thiết

Theo ý kiến của các doanh nghiệp xuất khẩu và một số chuyên gia, tỷ giá ổn định trong thời gian khá dài đang có lợi cho nhập khẩu nhưng bất lợi cho xuất khẩu. Do đó, cần điều chỉnh tỷ giá theo hướng chủ động “phá giá tiền đồng” giúp đẩy mạnh xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nước đã phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, tỷ giá gần như ổn định và tăng với biên độ rất thấp. Điều này đã khiến sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khó cạnh tranh với các nước vì giá cao. 

Ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: “Chúng tôi mong NHNN có thể nghiên cứu xem xét điều chỉnh tỷ giá ở một mức độ hợp lý hoặc xem xét đưa ra chính sách lãi suất cho vay với doanh nghiệp xuất nhập khẩu ưu đãi hơn nếu không nới tỷ giá”.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, chi phí đầu vào mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu hiện cao hơn các nước trong khu vực khi giá cả một số mặt hàng liên tục tăng, lãi suất ngân hàng cũng khá cao. Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi và chế biến xuất nhập khẩu (Aprocimex) nhấn mạnh: “Những khó khăn đó khiến chúng tôi không thể cạnh tranh được, khiến nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ”. 

Tuy nhiên, trong khi đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu đề xuất nới tỷ giá thì các doanh nghiệp nhập khẩu lại mong muốn tỷ giá được ổn định. Ông Đỗ Văn Minh - Tổng Giám đốc Công ty Dệt 19-5 cũng chỉ ra rằng, mới đây khi có ý kiến đề xuất nới tỷ giá của các chuyên gia và doanh nghiệp thì ngay lập tức giá bán USD tại các ngân hàng tăng theo. Việc giá USD tăng khiến không ít doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu gặp khó khăn vì chi phí tăng theo. “Nếu chúng ta phá giá VND, bản thân doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng”, ông Minh nói. 

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTC) cho rằng: “Xét về ngắn hạn, thực thi chính sách ổn định tỷ giá là cần thiết vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Hơn nữa, với đặc điểm cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá VND chỉ có tác động ở mức độ vừa phải đến cán cân thương mại do cả xuất nhập khẩu đều ít co giãn theo tỷ giá. Thực tế, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng khai khoáng không chịu ảnh hưởng của tỷ giá, nhiều mặt hàng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu”. 

Ổn định nhưng không cố định

Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục đưa ra khẳng định, NHNN cam kết sẽ ổn định tỷ giá trong năm 2013, nếu có tăng thì cũng trong biên độ cho phép. NHNN không giữ tỷ giá một cách “vô lý” và việc điều hành tỷ giá cần được thực hiện một cách rất thận trọng nhằm hỗ trợ cả xuất khẩu, nhập khẩu và bình ổn mặt bằng giá cả.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Việt Nam vẫn chủ yếu là nước nhập khẩu, hiện giá trị xuất khẩu của chúng ta đang rất tốt, cán cân thặng dư cao nên việc phá giá VND phải hết sức thận trọng. 

Trước những lo ngại khi lãi suất được điều chỉnh giảm khiến tâm lý găm giữ USD quay trở lại hay nhu cầu sử dụng ngoại tệ của doanh nghiệp tăng cao cùng với những thay đổi trên thị trường vàng sẽ khiến tỷ giá diễn biến theo xu hướng tăng. Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Tỷ giá trong năm 2013 vẫn sẽ được giữ ổn định và NHNN đủ khả năng can thiệp thị trường ngoại hối nếu như có biến động về tỷ giá”. 

Thực tế, nguồn cung ngoại tệ vẫn tiếp tục ổn định trong khi cầu về ngoại tệ cũng sẽ ở mức thấp trong cả năm 2013. Số liệu của NHNN cũng cho thấy, trước tết NHNN đã mua vào rất mạnh USD từ hầu hết hệ thống các tổ chức tín dụng với giá 20.850 đồng, nâng quỹ dự trữ ngoại hối lên khoảng 14 - 16 tuần nhập khẩu. Trong khi đó, cầu về ngoại tệ cũng sẽ ở mức thấp khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và đầu vào phục vụ cho sản xuất cũng không tăng.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) cũng chỉ rõ: “Phân tích cán cân thương mại của Việt Nam dương, xuất siêu, kiều hối, nguồn vốn FDI và sự dịch chuyển tiền của dân cư từ USD sang VND… các yếu tố này khiến cho tỷ giá có đủ cơ sở để ổn định trong năm 2013”.