Không nóng vội di dời đại học

(ANTĐ) - Ngày 7-6, các phương án, tiêu chí di dời các trường ĐH ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng nhiều đề xuất liên quan đã được báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Bên cạnh việc công bố chi tiết lộ trình di dời, các tiêu chí và nguồn huy động vốn vẫn chưa thống nhất.

Chuẩn bị nguồn vốn và hạ tầng xã hội:

Không nóng vội di dời đại học

(ANTĐ) - Ngày 7-6, các phương án, tiêu chí di dời các trường ĐH ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng nhiều đề xuất liên quan đã được báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Bên cạnh việc công bố chi tiết lộ trình di dời, các tiêu chí và nguồn huy động vốn vẫn chưa thống nhất.

Hà Nội chuẩn bị 3.000ha xây trường mới

Hà Nội chịu sức ép lớn với mật độ sinh viên/người dân tăng 28 lần so với năm 1976
Hà Nội chịu sức ép lớn với mật độ sinh viên/người dân tăng 28 lần so với năm 1976

Với mục tiêu giảm mật độ sinh viên (SV) trong khu vực nội thành, tạo cơ hội cho các trường ĐH và CĐ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nêu rõ, từ năm 2011 sẽ không tiếp nhận hồ sơ thành lập mới hoặc nâng cấp cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng yêu cầu giảm mật độ sinh viên trong nội thành Hà Nội từ 478.856 SV năm 2011 xuống còn khoảng 150.000 SV vào năm 2030. Đối với TP Hồ Chí Minh, con số SV cần giảm khỏi nội thành còn cao hơn với mức từ 516.544 SV năm 2011 xuống còn khoảng 170.000 SV vào năm 2030.

Để thực hiện bài toán này, Bộ GD-ĐT và lãnh đạo 2 thành phố đưa ra con số ít nhất 40 trường phải di dời từ nay đến 2030. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, do ngân sách hạn hẹp nên chỉ đặt ra mục tiêu thí điểm di dời 5 trường từ nay đến 2015. Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, để thực hiện mục tiêu này dự kiến mỗi thành phố sẽ có nhu cầu vốn khoảng 300 triệu USD (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Giai đoạn 2015-2020 mỗi thành phố sẽ di dời tiếp khoảng 10 đến 15 trường, nhu cầu vốn tương ứng 600 - 900 tỷ USD. Còn nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng, số vốn cần cho mỗi thành phố giai đoạn này ước tính lên đến 1.800 tỷ USD.

Nằm trong điều kiện cần thiết để di dời các trường là việc bố trí đất cho địa điểm xây mới các trường ĐH, CĐ. Theo đó, Hà Nội sẽ cần tối thiểu 1.600ha, TP Hồ Chí Minh cần 1.750ha. Tuy nhiên, theo ông Phí Thái Bình, Hà Nội đã làm việc với Bộ Xây dựng và đã chuẩn bị nguồn đất khoảng 3.500 - 4.500ha. Trong đó, riêng các đô thị vệ tinh của Hà Nội như Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn đã bổ sung hơn 3.000ha. Để hiện thực hóa kế hoạch di dời, Hà Nội đang triển khai hạ tầng, kỹ thuật với việc xây dựng Đại lộ Thăng Long, Hoàng Quốc Việt kéo dài ...

Đối với cơ sở cũ trong nội thành nguyên tắc sử dụng được nhất trí cao là tái cơ cấu sử dụng đất với 30-50% diện tích đất cho cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, diện tích còn lại dành cho công trình thương mại, dịch vụ, không bố trí công trình nhà ở, ưu tiên cho sử dụng đào tạo nâng cao.

Chưa thỏa mãn điều kiện đi kèm

Mặc dù đã đưa ra được lộ trình và các điều kiện cơ bản về tài chính, đất đai cho kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi khu vực nội thành, tuy nhiên nhiều bộ, ngành vẫn chưa thỏa mãn với mục tiêu đề ra của việc di dời cùng những điều kiện kèm theo. Trung Tướng Phạm Minh Chính - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng tiêu chí di dời đặt ra cần tính đến yếu tố lịch sử, truyền thống. Theo đó, 3 tiêu chí của Bộ Xây dựng nên uyển chuyển hơn và có bước đi phù hợp với các yếu tố văn hóa, kiến trúc, lịch sử, truyền thống.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng cho rằng 2 lý do ùn tắc và quy mô diện tích quá hẹp chưa đủ mà phải chú ý đặc thù đào tạo như y học phải gắn bệnh viện, SV luật thì cần đến tòa án thực tập. Cái đáng lo là việc di dời đến các địa điểm mới chưa chú ý đúng mức đến hạ tầng xã hội vì ngoài giờ học sinh viên còn phải làm thêm để sống, lên khu tập trung thì làm việc ở đâu?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết hiện nay các nguồn lực tài chính phục vụ di dời có nhiều hình thức và “mỗi hình thức có đặc thù và quy chế riêng nhưng đừng quá chú tâm vào một phương thức nào vì có thể chỗ này làm được nhưng chỗ kia không làm được”. Theo ông Phạm Sỹ Danh, nếu biết khai thác các nguồn lực tài chính thì mới có thể thực hiện đúng lộ trình đặt ra. Với đề xuất của Bộ GD-ĐT lập quỹ đầu tư giáo dục, ông Phạm Sĩ Danh cảnh báo là không nên vì mục đích của quỹ là huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, thường là của các tổ chức và cá nhân với các mục đích khác nhau, như vậy có thể xảy ra mâu thuẫn trong việc sử dụng quỹ này.

Trước ý kiến của các địa phương và bộ, ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thống nhất với ý kiến nên duy trì một số trường mang tính đặc thù, có truyền thống lịch sử với kiến trúc đẹp trong nội đô của 2 thành phố nhưng quy mô các trường này chỉ nên ở mức tối thiểu và không ảnh hưởng tới quy hoạch chung. Phó Thủ tướng yêu cầu đề án nên có sự lồng ghép các cụm di dời với quy hoạch phát triển của địa phương, để có đầy đủ yếu tố của đô thị đại học. Trước ngày 10-7, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng các trường ĐH, CĐ thuộc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Bảo Anh