Không nên trồng xà cừ làm cây đô thị

ANTĐ - Sau một trận mưa lớn kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ chiều tối 17-8, hàng loạt cây xanh lớn trên địa bàn TP đã gãy, đổ, bật gốc rễ. Đau lòng hơn, tại cửa số nhà 97 Lò Đúc, một cây xà cừ bật gốc đè lên chiếc taxi đi ngang qua khiến lái xe chết tại chỗ. Điều khiến người dân trên địa bàn TP băn khoăn, khu vực Hà Nội dù chỉ bị ảnh hưởng với sức gió không lớn, trong khi, khu vực nội đô nhà cao tầng dày đặc, mà những cây xà cừ to như vậy lại dễ dàng gục ngã? Hà Nội hiện ước tính có khoảng 10.000 cây xà cừ. Đây là những mối hiểm nguy treo trên đầu mỗi người dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô.

Rễ cây xà cừ ăn nông, dễ gây tai nạn trong đô thị

Mối hiểm nguy “treo” trên đầu

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, tính đến chiều 20-8, trên địa bàn TP đã có 140 cây xanh các loại bị gãy đổ như muồng, xà cừ, phượng. Hiện, công ty tiếp tục kiểm tra, xử lý các cây đổ để giải phóng giao thông cho người dân đi lại. Đề cập đến việc có quá nhiều cây xà cừ bị bật gốc, gãy đổ trong những trận mưa lớn trên địa bàn TP, ông Hưng cho rằng, thời gian qua, trên địa bàn TP có mưa nhiều, khiến đất ẩm. “Cộng với bão số 5 kèm theo mưa, giông lốc lớn dẫn đến hàng loạt cây xanh bị đổ, bật gốc”, ông Hưng cho biết. Khi được hỏi, liệu cây xà cừ có phù hợp trồng làm cây đô thị, ông Hưng nói: “Người Pháp đã trồng cây xà cừ làm cây đô thị gần trăm năm nay”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, một nguyên nhân nữa khiến Hà Nội cứ có mưa nhỏ, gió vừa vừa cây xanh đã gãy đổ do các công trình thi công đào bới lòng đường vỉa hè hạ ngầm, thoát nước… đã cắt bớt rễ của cây. Trong khi đó, xà cừ là cây rễ chùm.

Phố mới sẽ phải trồng cây rễ cọc

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, Hà Nội không nên trồng xà cừ. Ông Hùng nhận định, xà cừ, còn có tên gọi là lim trắng, có rễ rất nông. “Những năm 60-70 của thế kỷ trước, người ta đã trồng cây xà cừ quanh bến tàu điện ở bờ hồ Gươm. Cây lớn rất nhanh. Có cây đường kính ở gốc tới 2m. Thế nhưng, chỉ một vài cơn bão lớn, chúng đã bị lật nhào nên bây giờ hầu như không còn cây nào ở khu vực này”,  ông Hùng phân tích.

Cũng theo ông Hùng, trên địa bàn TP hiện có những cây sấu trồng từ thời Pháp tới nay vẫn tươi tốt, có khi đã tới 100 tuổi. Song, trong những trận mưa bão lớn nhỏ, không có cây nào bị đổ gãy. Bởi sấu là cây có rễ cọc và có bạnh vè vững chắc. Sấu lại có lá xanh quanh năm, bóng mát không kém gì xà cừ. Về cái chết của nạn nhân bị cây đổ chết vào ngày 17-8 vừa qua, GS. Nguyễn Lân Hùng bày tỏ: “Đã đến lúc cần quy trách nhiệm, khi trồng loại cây gì trên đường phố, Công ty TNHH Công viên cây xanh phải nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm sinh học để lựa chọn cây trồng cho phù hợp chứ không thể để xảy ra thêm nhiều tai nạn nữa. Nếu cây đổ làm sập nhà dân thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”. 

Trước thực trạng trên, UBND TP vừa chỉ đạo Công ty TNHH Công viên cây xanh và Sở Xây dựng Hà Nội rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn TP, nếu không đảm bảo an toàn phải tiến hành thay thế ngay. Tại những đường phố mới, phải trồng những cây có rễ cọc, đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng quy định. Đồng thời, cũng phải chuẩn bị đủ trang thiết bị để khắc phục ngay khi có cây đổ. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin nhằm đảm bảo an toàn trong mưa bão, an toàn thông tin và mỹ quan đô thị.