NSƯT Nguyễn Anh Dũng:

“Không nên so sánh tôi với cố NSND Trọng Khôi”

ANTĐ - “Thế chỗ” cố NSND Trọng Khôi đảm nhận vai anh hàng thịt trong vở kịch dựng lại “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Nhà hát Kịch Việt Nam), NSƯT Nguyễn Anh Dũng rất tự tin trong lần nhập vai này. “Cái bóng” quá lớn do đàn anh để lại đã không gây áp lực cho Anh Dũng, mà trái lại ông đang rất hào hứng với lần thử thách này.

Vượt qua cái bóng của cố NSND Trọng Khôi không phải là việc dễ dàng với NSƯT Anh Dũng

- PV: Thật khó tin rằng ông không hề thấy áp lực khi nhận vai diễn “thế chỗ” cố NSND Trọng Khôi?

- NSƯT Nguyễn Anh Dũng: Cùng với anh Phạm Bằng, Trần Tiến, Trọng Khôi, chị Mỹ Dung, Bích Thu, chúng tôi là ê-kíp 1 của vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1987.  Hồi đó, tôi được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi giao vai anh con trai cả của Trương Ba, NSND Trọng Khôi đóng anh hàng thịt… Và tôi dám khẳng định, cho đến nay, rất khó để tìm được những diễn viên có thể lấp bóng của lớp đàn anh đi trước trong từng vai diễn của vở. Nhưng khi đạo diễn Tú Mai mời tôi “thế chỗ” anh Trọng Khôi, tôi nhận lời ngay. Tôi hình dung được vai diễn này sẽ khó khăn như thế nào nếu tôi đảm nhận, đặc biệt là ấn tượng của khán giả về hình dáng to béo của anh hàng thịt do cố NSND Trọng Khôi diễn, trong khi vóc dáng của tôi lại cao gầy. Nhưng điều đó không quá quan trọng!  

- Điều gì mới thật sự quan trọng trong vai diễn anh hàng thịt ở vở kịch này?

 

- Anh Trọng Khôi đã đưa anh hàng thịt vào định hình rất tế nhị, rất trau chuốt và nhiều thứ “rất” khác. Việc vượt qua cái bóng của anh Trọng Khôi không phải là dễ dàng. Về mặt hình thể, tôi thấy không có gì đáng lo ngại. Tôi gầy gò, tôi nhỏ nhắn hơn nhưng vẫn có thể diễn vai anh hàng thịt đầy đủ tinh thần của nó: thể hiện hồn Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt. Hơn nữa, cho tới nay, các diễn viên của êkíp 1 người còn thì đã già yếu, không thể tham gia. Còn lại mình tôi, tuổi đời trẻ hơn và còn đủ sức khỏe để một lần nữa làm sống dậy vở kịch kinh điển một thời. Biết là khó đấy, nhưng tôi thấy trách nhiệm của mình với lần phục dựng vở của nhà hát.  

- Sự kỳ vọng được xem lại một vở diễn nổi tiếng cách đây hơn 20 năm của khán giả có thể coi là động lực hay sức ép với cá nhân ông? 

- Tôi luôn thích vượt qua những vai diễn khó. Khán giả không nên so sánh tôi với NSND Trọng Khôi. Nếu tôi có kém hơn anh Trọng Khôi cũng là điều đương nhiên bởi anh Khôi là lớp đàn anh của tôi đồng thời cũng là người bạn diễn lâu năm. Quan trọng, mình biết mình là ai. Đối với tôi, sân khấu là niềm đam mê, mà đã là đam mê thì không lo ngại gì cả. Tôi sẽ lao như con thiêu thân.

- Cảm giác của ông thế nào sau vài năm trở lại Nhà hát Kịch Việt Nam – nơi ông từng đảm nhận cương vị Giám đốc nhà hát?

- Khi tôi trở về nhận vai trong buổi khởi công, những tiếng vỗ tay nồng nhiệt của anh em cán bộ nhà hát chính là chiếc gương để tôi soi lại. Trở lại nhà hát, tôi cảm thấy rất gần gũi, như trở về nhà sau một chuyến đi dài vậy. 

- Như vậy là sau biến cố gia đình, công việc đang cuốn ông đến với những phim trường và sàn tập? 

- Mấy năm nay, tôi ít nhận lời tham gia diễn phim truyền hình và sân khấu. Tôi vẫn có những lời mời đi đóng phim nhưng không dám thể hiện các vai diễn theo lối “mì ăn liền”. Tôi thấy khó chấp nhận cách làm “xong sớm nghỉ sớm”. Còn sân khấu thì tôi chỉ có thể nhận lời với Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng các bạn trẻ đủ sức đảm nhận các vai diễn nên cánh diễn viên già như tôi không còn đất diễn. Vậy là tôi quay sang viết kịch bản sân khấu và phim. Nhiều người bảo tôi tham công tiếc việc, làm cả tác giả và đạo diễn cho cả 2 mảng là sân khấu và điện ảnh. Nhưng tôi không thể từ bỏ công việc, điện ảnh là tình yêu, còn sân khấu là đam mê. 

- Liên miên với công việc, ông để con gái ở nhà một mình được sao?

- Từ ngày vợ mất (NSƯT Phương Thanh), ở nhà, tôi làm “ôsin” cao cấp cho con gái: vừa đi chợ, thổi cơm lại kiêm kiếm tiền. Những lúc đi trại sáng tác kịch bản khoảng nửa tháng, tôi phải nhờ họ hàng, bạn bè qua chăm sóc con gái. Có những lúc rất bí nhưng đành phải chấp nhận vì hoàn cảnh éo le “gà trống nuôi con”. Ngay từ khi còn rất trẻ, tôi đã là người đàn ông chịu khó, không nề hà việc gì. Có thể như thế, vợ tôi đã giao nhiệm vụ ở lại chăm sóc con gái cho tôi. Tôi cứ nghĩ như vậy để vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh hiện tại của mình. 

- Ông có định làm “gà trống nuôi con” đến hết… phần đời còn lại?

- Thấy hoàn cảnh của tôi như vậy, bạn bè cũng khuyên tôi nên tìm vợ mới để đỡ đần sớm hôm. Rồi con gái tôi cũng giục bố đi lấy vợ. Tôi không quá cặn kẽ, cũng muốn lấy một cô vợ ở mức độ vừa phải nhưng biết thông cảm với hoàn cảnh của mình nhưng thật sự khó. Nếu tốt duyên, tôi sẽ lấy được cô vợ nữa, chắc vợ tôi cũng đồng ý thôi. 

- Xin cảm ơn NSƯT Nguyễn Anh Dũng!