Không nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô

ANTĐ - Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm khoa học “Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam” diễn ra ngày 6-2. Với kịch bản giá dầu xuống đến mức 30USD/thùng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được cải thiện.

Không nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô ảnh 1Giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế Việt Nam

Động lực tăng trưởng 

Tiến sĩ Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia phân tích, giá dầu tác động tích cực và cả tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Ở chiều tích cực, giá dầu giảm sẽ kích thích sản xuất trong nước, từ đó thu thuế tăng lên. Nhiều nền kinh tế khác trên thế giới như: Mỹ, EU, Nhật Bản… cũng được cải thiện. Khi đó, Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu. Mặt khác, chi phí đầu vào giảm cũng thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, với kịch bản giá dầu ở mức 50 USD/thùng năm 2015, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 0,48 điểm phần trăm. Xuất khẩu tăng thêm 2,9 điểm phần trăm, nhập khẩu tăng 1,83 điểm phần trăm và lạm phát giảm 1,14 điểm phần trăm. Khi đó, nguồn thu thuế của Chính phủ từ xuất khẩu dầu thô sẽ giảm hơn 6.600 tỷ đồng; Dự trữ ngoại hối cũng giảm 1,04 tỷ USD. Còn ở kịch bản thấp nhất, giá dầu xuống mức 30USD/thùng thì GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 0,75 điểm phần trăm. Xuất nhập khẩu cũng tăng và lạm phát sẽ giảm 1,07 điểm phần trăm; Thu thuế của Chính phủ giảm gần 8.700 tỷ đồng và dự trữ ngoại hối giảm 1,45 tỷ USD. “Về tổng thể, giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Thu thuế chỉ giảm vài nghìn tỷ đồng và có thể bù đắp bằng cách khác. Một trong những giải pháp thực hiện là tăng thuế” - ông Lương Văn Khôi nói.

Đáng chú ý, trong bối cảnh lạm phát năm 2014 tăng thấp, năm 2015 chỉ số này được dự báo tăng dưới 5% nên dư địa để thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ khá nhiều. Nếu giá dầu giảm, cộng với việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay thì những chỉ tiêu kinh tế trên của Việt Nam càng tăng mạnh hơn. Còn nếu giá dầu giảm, Bộ Tài chính tăng thuế đối với mặt hàng xăng dầu thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và tài chính (Bộ Tài chính), giá dầu năm 2015 sẽ dao động quanh mức 50 USD/thùng, cao nhất là gần 60 USD/thùng. Ông Nguyễn Ngọc Tuyến cho rằng, khó có khả năng giá dầu tăng lên mức 70 USD/thùng bởi nguồn cung vẫn được đánh giá là dồi dào. Một số nước có nguồn thu chủ yếu từ dầu mỏ như: Arab Saudi, Venezuela… vẫn tiếp tục phải khai thác dầu để đóng góp cho ngân sách. Các công ty của Mỹ và các nước khác cũng sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ khai thác để giảm giá thành mà không cắt giảm sản lượng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái đánh giá: “Đây là cơ hội hiếm có để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu”.

Chưa ảnh hưởng nhiều đến ngân sách

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến cho rằng, mặc dù Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nhập khẩu nhiều xăng dầu thành phẩm, nhưng không vì vậy mà giá dầu giảm sẽ khiến nguồn thu ngân sách giảm. Ngược lại, thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam hiện quá cao, ở mức 35%. Mỗi năm nước ta nhập từ 7-8 triệu tấn xăng dầu thành phẩm nên nguồn thu từ thuế nhập khẩu tương đối lớn. Thêm vào đó, mặt hàng xăng dầu còn bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT (10%), phí bảo vệ môi trường nên ảnh hưởng đến thu ngân sách không nhiều. “Giá dầu giảm tạo thêm cơ hội để thu thuế. Trước đây, thuế nhập khẩu xăng dầu chỉ ở mức 5-6%, giờ cao gấp mấy lần. Thu ngân sách mỗi tháng ở nước ta khoảng 800 - 900 nghìn tỷ đồng nên xuất khẩu dầu thô giảm 3.000 - 4.000 tỷ đồng cũng không có tác động quá lớn”.

Theo Tiến sỹ Lưu Bích Hồ, tăng trưởng kinh tế không nên dựa quá nhiều vào xuất khẩu dầu thô mà phải đổi mới mô hình. Bài học từ nước Nga cho thấy, nếu dựa quá nhiều vào xuất khẩu dầu thô, sẽ gặp thiệt hại lớn khi giá dầu giảm. Nhận định giá dầu giảm tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, song ông Lưu Bích Hồ nhận xét: “Tác động của việc giảm giá dầu đến kinh tế Việt Nam có độ trễ lớn. Các cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý, điều hành để tác động đến kịp thời hơn. Ví dụ điển hình là giá xăng dầu trong nước giảm nhưng cước vận tải giảm rất chậm. Nhiều đơn vị bị phát hiện chậm giảm cước nhưng chưa có chế tài mạnh để xử lý”.