Không nên quá hoang mang, lo lắng

ANTĐ - Trao đổi với Báo ANTĐ chiều 4-3 về việc Hà Nội vừa ghi nhận bệnh nhân thứ hai mắc viêm màng não do não mô cầu, TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, hiện cả 2 ca bệnh đầu tiên đều được thành phố khoanh vùng, xử lý dịch theo đúng quy trình. 

Không nên quá hoang mang, lo lắng ảnh 1

- PV: Chiều 4-3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác nhận đã có ca não mô cầu thứ hai ở Hà Nội đang điều trị tại viện, ngành y tế Hà Nội đã nhận được thông tin này chưa và có động thái gì để phòng bệnh?

- TS Nguyễn Nhật Cảm: Trong bối cảnh dịch viêm màng não do não mô cầu đang có xu hướng lan rộng và diễn biến phức tạp hiện nay, hàng ngày TTYTDP Hà Nội đều cử cán bộ liên hệ với các bệnh viện trên địa bàn nhằm tăng cường giám sát, phát hiện sớm nhất ca bệnh ở các cơ sở điều trị cũng như cộng đồng.

Ngay sau khi nhận được thông tin về ca bệnh não mô cầu ở huyện Quốc Oai, TTYTDP Hà Nội đã cử 2 đội chống dịch đến địa phương nơi bệnh nhân sinh sống, làm việc để phối hợp với y tế địa phương điều tra dịch tễ, lập danh sách tất cả những người có tiếp xúc gần với người bệnh. Những trường hợp cần thiết sẽ được uống 1 liều kháng sinh dự phòng, cách ly và tự theo dõi bệnh tại nhà, khuyến cáo họ nếu có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe thì đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám. 

Mặt khác, tiến hành khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống. TTYTDP Hà Nội cũng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân biết và nâng cao ý thức phòng bệnh.

- Chỉ trong 1 tuần Hà Nội ghi nhận liên tiếp 2 ca não mô cầu, trước đó ở Hải Dương cũng ghi nhận 1 ca mắc và tử vong. Ông đánh giá thế nào về diễn biến của dịch bệnh này hiện nay trên địa bàn Thủ đô?

- Viêm màng não do não mô cầu không phải là bệnh mới, bệnh lạ mà là bệnh đang lưu hành ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, theo thông báo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, hiện dịch đã xuất hiện rải rác tại một số tỉnh/ thành và đang có xu hướng lan rộng, do đó không thể chủ quan.

Tuy vậy, cũng không vì thế mà chúng ta quá hoang mang, lo lắng. Thực tế tại Hà Nội trong 5 năm trở lại đây, năm nhiều nhất cũng chỉ ghi nhận 6 ca mắc, năm ít nhất chỉ ghi nhận 1 ca mắc, không có ổ dịch bùng phát. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng là phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát.

- Ông có thể nói rõ hơn dấu hiệu nhận biết sớm bệnh dịch này và biện pháp phòng chống hiệu quả?

- Bệnh viêm màng não do não mô cầu có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, từ nhẹ đến nặng. Nếu biểu hiện nhẹ, người bệnh chỉ có triệu chứng như 1 ca viêm họng thông thường. Nặng hơn thì sốt cao, chóng mặt, đau đầu, nôn, buồn nôn, xuất hiện nốt hoại tử trên da. Nặng hơn nữa thì dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong cao.

Để phòng bệnh, người dân cần chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Cùng đó, phải thường xuyên vệ sinh mũi họng; hạn chế, không nên tiếp xúc với người bệnh; khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang, uống thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

- Cảm ơn ông!