Không nên phạt tiền thay cho hình phạt tù

ANTĐ - Trao đổi bên hành lang Quốc hội hôm qua 30-10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng, không nên phạt tiền thay cho hình phạt tù, bởi điều này khó đảm bảo công bằng và dễ phát sinh tiêu cực.
Không nên phạt tiền thay cho hình phạt tù ảnh 1

- PV: Ông có quan điểm như thế nào về việc dùng hình phạt tiền để thay hình phạt tù?

- Ông Nguyễn Đình Quyền: Về nguyên tắc, tôi không đồng tình quan điểm này. Như vậy, người dân cho rằng những người có tiền sẽ không phải đi tù. Người nghèo không có tiền sẽ bị bắt vào tù, thế là không bảo đảm công bằng và quá trình xử lý rất dễ phát sinh những kẽ hở của tiêu cực. 

- Có nhiều ý kiến xung quanh việc giảm án với tội danh tham nhũng trong trường hợp bị cáo dùng tiền để khắc phục hậu quả. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Qua công tác giám sát của Uỷ ban Tư pháp, thực tế có một số nơi khi người có hành vi tham nhũng mà chủ động khắc phục thì đình chỉ điều tra, như vậy là sai pháp luật. Uỷ ban Tư pháp đã có công văn yêu cầu phục hồi điều tra với một số vụ việc, bởi  khắc phục hậu quả chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải để miễn trách nhiệm hình sự.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đưa ra nội dung trên để khuyến khích người vi phạm khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhân dân. Một mặt là tình tiết giảm nhẹ, nhưng chủ động khắc phục trước khi bị phát hiện thì có thể xem xét để giảm hoặc có thể miễn trách nhiệm hình sự. Việc miễn trách nhiệm hình sự phải xem xét trên nhiều mặt chứ không chỉ riêng việc khắc phục hậu quả.

- Vừa qua có không ít vụ án nghiêm trọng do các đối tượng vị thành niên gây ra. Theo ông, khi giảm nhẹ hình phạt liệu có làm gia tăng tội phạm dạng này?

- Đối với trẻ em, càng phạt nặng bao nhiêu càng phản tác dụng bấy nhiêu, khoa học hình sự trên thế giới đã chứng minh điều đó. Cần sử dụng đồng bộ các biện pháp khác và chính sách hình sự hướng tới giá trị nhân đạo, bảo đảm quyền con người. Thực ra, trẻ vị thành niên vừa là chủ thể của tội phạm, nhưng cũng là nạn nhân xã hội của tội phạm. Do vậy, cần phải nhìn ở góc độ đó thì hoạch định chính sách mới đúng.