Không nên miễn thị thực vô điều kiện cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển của Việt Nam

ANTD.VN - Sáng 14-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề nghị không nên miễn thị thực một cách vô điều kiện đối với những người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển của Việt Nam, bởi theo ông, càng dễ dãi thì trách nhiệm bảo vệ an toàn của chúng ta càng tăng lên, công việc của lực lượng chức năng càng quá tải và nguy cơ, rủi ro tăng lên rất nhiều. 

Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) cho rằng quy định miễn thị thực cho người nước ngoài ở các khu kinh tế ven biển có thể làm tăng nguy cơ đối với quốc phòng an ninh, khi mà việc kiểm soát lưu trú và xuất cảnh còn lỏng lẻo.

“Trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng thì dự luật cần rất thận trọng, tránh nguy cơ xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch”, bà Thúy lưu ý.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) đánh giá dự thảo luật đã đề cập tới những vấn đề cơ bản nhất cần sửa đổi, bổ sung của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Đồng tình bổ sung trường hợp miễn thị thực, song ông Phong đề nghị phải kèm điều kiện đối với người nước ngoài vào khu vực kinh tế ven biển của Việt Nam và giao Chính phủ quy định cụ thể.

Về quy định đơn phương miễn thị thực, ông Phong cho rằng cần chọn lọc, tôn trọng nguyên tắc “có đi có lại”. Bởi đây cũng là công cụ ngoại giao để chúng ta đàm phán với các quốc gia khác, để họ có chính sách tạo điều kiện tạo điều kiện hơn cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào nước họ.

Đại biểu của An Giang cũng đề nghị lược bỏ quy định “người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam trước đó ít nhất 30 ngày”. Bởi thực tế cho thấy, rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, sau khi xuất cảnh thì có nhu cầu quay trở lại Việt Nam sau ngắn hơn 30 ngày. 

 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam khi được ban hành sẽ tăng cường công tác quản lý người nước ngoài vào Việt Nam, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. 

Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm tiếp thu các góp ý của đại biểu xung quanh các vấn đề như nguyên tắc mời, bảo lãnh đối với thị thực một lần cấp cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam có thời hạn ngắn với mục đích du lịch; bổ sung những trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực; cân nhắc quy định cấp thị thực, thời gian thị thực cho nhà đầu tư…

“Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao. Để hoàn thiện dự thảo luật, thời gian tới, ban soạn thảo mong nhận sự quan tâm, tiếp tục cho ý kiến để chúng tôi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này theo đúng chương trình”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.