Không nên đổ hết lỗi cho thủy điện!

(ANTĐ) - Ngày 18-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII tiếp tục với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

Không nên đổ hết lỗi cho thủy điện!

(ANTĐ) - Ngày 18-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII tiếp tục với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Vì sao thịt bẩn “lọt lưới”?

Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nóng ngay từ đầu với các câu hỏi dồn dập về tồn tại trong công tác xuất khẩu gạo và nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả, thịt “bẩn” nhập khẩu.

Đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) hỏi: “Dừng xuất khẩu gạo năm 2008 có phải do bị hớ giá? Thuốc trừ sâu, phân bón giả tràn lan từ lâu sao Bộ vẫn nói đang soạn chế tài. Vì sao lại có thái độ ôn hòa, thư thả như vậy trong khi nông dân bức xúc từng ngày?”. Đại biểu Danh út (Kiên Giang) tiếp: “Hàng kém chất lượng ồ ạt nhập vào, trong đó, có hàng chục nghìn tấn thịt “bẩn”, trách nhiệm quản lý của Bộ ở đâu?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích: “Quyết định dừng xuất khẩu năm ngoái là vì an ninh lương thực còn tôi không có thông tin chính thức về việc dừng do bị hớ giá. Muốn xử lý phân bón giả phải ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật trước.

ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên):

“Chưa hoàn toàn yên tâm”

Chúng tôi cơ bản đồng tình với trả lời của Bộ trưởng nhưng còn nhiều điều chưa yên tâm. Thủy điện có tác động nhiều không? Theo tôi là nhiều. Thứ nhất là mất quá nhiều rừng, chưa hoàn trả rừng, khiến nước từ đầu nguồn về rất dữ.

Phối hợp giữa các hồ chứa và điều hòa lũ bị buông lỏng, vẫn ở tình trạng mạnh ai nấy lo, nên khi có lũ thì đua nhau xả lũ, khiến ảnh hưởng trầm trọng. Công tác dự báo khí tượng và hoạt động của thủy diện cũng chưa gắn kết. Những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra chúng tôi mới chỉ tạm chấp nhận. Phải đồng bộ giữa việc tích nước phát điện và bảo vệ hạ lưu chứ mạnh ai nấy xả thì người dân khóc.

Chúng tôi hứa sẽ có chế tài trong thời gian sớm nhất chứ không hề nương nhẹ... Nhập khẩu thịt Bộ không hề cấp phép. Số kém chất lượng lọt qua được có thể do nhập lậu hoặc quản lý chưa chặt chẽ.

Chúng tôi đã tăng kiểm tra ở cửa khẩu để chặn thịt “bẩn” vào Việt Nam. Tôi thừa nhận trách nhiệm của Bộ phối hợp với các bộ, ngành khác chưa tốt. Lực lượng có nhưng công tác xử lý sai phạm chưa đạt yêu cầu...”.

Nhiều ngành công nghiệp sắp... “chết”

Nêu dẫn chứng hàng loạt các công ty điện tử nội đang “hấp hối”, chấp nhận gia công cho các công ty Trung Quốc để sống cầm hơi, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) hỏi: “Trách nhiệm của Bộ như thế nào mà để ngành công nghiệp một thời được coi là mũi nhọn trở thành như vậy?”.

Xem “đây là một điều đáng buồn”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Đó là do chính sách, chiến lược của chúng ta có vấn đề. Điều này có trách nhiệm Bộ Công Thương. Thứ nữa là do chính sách hỗ trợ đầu tư và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu”. ĐB Trần Du Lịch bình luận: “Hầu như tất cả  các ngành công nghiệp sau chưa đầy 3 năm hội nhập đều không cạnh tranh được. Ký kết hội nhập nhưng các cơ quan tham mưu lại “bình chân như vại”. Không thể hẹn nay mai có chính sách mãi được. Chờ đến bao giờ hay tới khi các ngành công nghiệp “chết” hết?”.

Đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên) làm nóng nghị trường với hàng loạt thắc mắc về hệ thống thủy điện ở miền Trung: “Bộ trưởng suy nghĩ gì trước thực trạng các doanh nghiệp tranh nhau làm thủy điện? Phải chăng vì lợi nhuận cao hay đây là cái mác để thu hút vốn? Giải pháp nào để hài hòa mối quan hệ giữa làm thủy điện với chống lũ lụt ở miền Trung?”.

Tới đây, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tỏ ra bức xúc vì cho rằng dường như hệ thống thủy điện miền Trung đã “oan” khi bị quy kết liên quan tới lũ lụt ở miền Trung vừa qua. Ông nói: “Các công trình thủy điện, quy mô lớn, vừa hay nhỏ đều triển khai trên quy hoạch đã duyệt. Chúng ta nên có một cách nhìn nhận công bằng và khách quan đối với thủy điện, nhất là ở miền Trung.

Không phải tất cả các doanh nghiệp làm thủy điện đều chỉ vì mục đích lợi nhuận. Nhiều người đã hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc nên nhìn nhận thủy điện phải công bằng. Không phải tất cả thủy điện là nguyên nhân gây ra lũ lụt như vừa rồi. Vai trò của các thủy điện cần phải được đánh giá, nhưng đổ lỗi hết cho các thủy điện cũng cần xem xét.

Ngọc Khánh