Thu đất 19 hộ dân mở đường vào chợ Tân Hoà (Đắk Lắk):

Không nên đẩy dân đến chỗ khốn cùng

ANTĐ - Chợ Tân Hòa, thuộc phường Tân Hoà, thành phố Buôn Ma Thuột đã xây dựng xong từ tháng 12-2012, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động được, vì còn vướng khâu giải phóng mặt bằng thi công đường đấu nối từ Quốc lộ 26 đi vào chợ,

Doanh nghiệp lo trả lãi ngân hàng(!)
Thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư phường Tân Hoà, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng chợ Tân Hoà do công ty TNHH Nhân Phú (có trụ sở tại huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 32 tỷ đồng, trên mặt bằng 1,47 ha. Sau khi được phê duyệt và bàn giao mặt bằng, từ năm 2010 đến tháng 12-2012, công ty TNHH Nhân Phú đã hoàn thành việc đầu tư giai đoạn 1, bao gồm các hạng mục: 2 khu bách hoá tổng hợp; 1 khu bán hàng tươi sống; 1 khu chợ phiên; toàn bộ hệ thống hạ tầng như bãi đỗ xe, hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác thải, điện, nước, phòng cháy - chữa cháy. Và hiện đang xây dựng khu ki-ốt dịch vụ. Theo ông Phạm Ngọc Bội, giám đốc công ty, đến tháng 12-2012, chợ đã đủ điều kiện để đưa vào khai thác, đúng theo tiến độ dự án đã phê duyệt. Thế nhưng, từ tháng 12-2012 đến tháng 7-2013, chủ đầu tư và 170 hộ tiểu thương đã đóng góp 30% giá trị tiền thuê ki ốt vẫn phải nằm chờ vì chưa mở được con đường từ Quốc lộ 26 đi vào chợ.

Không nên đẩy dân đến chỗ khốn cùng ảnh 1
Chợ Tân Hòa đã xây dựng xong nhưng không có đường vào


Theo cam kết, việc giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường vào chợ, và đường khu dân cư quanh khu vực chợ là do UBND thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện với kinh phí dự kiến khoảng 7 tỷ đồng. Nhưng đến nay chưa giải phóng được mặt bằng, do còn vướng trong khâu đền bù, tái định cư cho 19 hộ dân có nhà và đất trong khu vực quy hoạch xây dựng đường vào chợ. Ông Phạm Ngọc Bội bức xúc: “Tổng vốn đầu tư mà công ty đã bỏ ra đến nay hơn 20 tỷ đồng. Việc chợ chậm đi vào hoạt động ngày nào là doanh nghiệp thiệt thòi ngày đó. Bình quân mỗi tháng công ty đang phải trả lãi vay ngân hàng 300 triệu đồng. Ngoài ra, do không có đường đi vào, nên kể từ ngày bắt đầu xây dựng đến nay, công ty còn phải thuê đất của dân để đi từ Quốc lộ 26 vào với mức 1 triệu đồng/tháng.
Người dân trước nguy cơ “màn trời chiếu đất!”

Theo quy hoạch mặt bằng để thi công đường vào chợ Tân Hoà, có chiều rộng 75m liên quan đến đất sản xuất, nhà ở và vật kiến trúc của 25 hộ dân. Trong đó có 6 hộ liên kết sản xuất cà phê với nông trường cà phê 11-3 (nay là công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột) và 19 hộ có nhà, đất mặt tiền Quốc lộ 26. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, 6 hộ dân liên kết sản xuất cà phê đã chấp thuận phương án và bàn giao mặt bằng; 1 hộ dân có nhà ở mặt tiền Quốc lộ 26 đã chấp nhận sự hỗ trợ để bàn giao mặt bằng. Còn lại 18 hộ, không nhận tiền hỗ trợ và không chịu bàn giao mặt bằng. Lý do bà con đưa ra là đất, nhà ở, vật kiến trúc và cây trồng, hoa màu trên đất phải được đền bù, đồng thời phải được bố trí đất tái định cư.

Trong khi đó UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng: Đất mà 19 hộ dân đang ở thuộc diện lấn chiếm hàng lang giao thông Quốc lộ 26 và lấn chiếm đất của công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột, nên không được đền bù về đất, không được đền bù về nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng trên đất mà chỉ được hỗ trợ một phần thiệt hại về công trình xây dựng trên đất. Trong số 19 hộ, chỉ có 9 hộ được xét bán đất tái định cư theo mức giá sàn vì các hộ này không có đất nơi khác. 
Không chấp nhận phương án trên của UBND thành phố Buôn Ma Thuột, các hộ dân có đơn khiếu nại đòi bồi thường về đất và hỗ trợ tái định cư. Ngày 27-3-2013, UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại “lần đầu”, không công nhận nội dung khiếu nại. Và yêu cầu trong thời hạn 45 ngày, các hộ dân có quyền khiếu nại lên UBND tỉnh Đắk Lắk hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, trong khi các hộ dân đang có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, thì ngày 18-4-2013, UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành các quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà, vật kiến trúc và cây cối hoa màu của của 15/19 hộ dân. Theo các quyết định này, việc cưỡng chế sẽ tiến hành trước ngày 6-5-2013. Và mới đây, tại buổi họp với 19 hộ dân vào ngày 19-7-2013, UBND thành phố Buôn Ma Thuột kết luận: “Đất của 19 hộ dân không được đền bù do là đất lấn chiếm. Buộc các hộ dân phải di dời bàn giao mặt bằng trước ngày 10-8-2013. Sau ngày 10-8-2013, nếu các hộ dân không thực hiện di dời, và bàn giao mặt bằng thì UBND thành phố Buôn Ma Thuột sẽ không xem xét các kiến nghị và giao đất tái định cư”.

Không nên đẩy dân đến chỗ khốn cùng ảnh 2
Căn nhà gỗ dựng từ năm 1977 của hộ cận nghèo Nguyễn Văn Hùng


Như vậy, việc UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành các quyết định cưỡng chế trong thời điểm người dân đang có khiếu nại nên UBND tỉnh Đắk Lắk, cũng như kết luận tại buổi làm việc ngày 19-7-2013 là vi phạm những quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011, thậm chí nội dung còn mang tính uy hiếp người dân, đẩy dân đến chỗ đường cùng. 
Điều tra theo trên thực tế, chúng tôi nhận thấy, việc UBND thành phố Buôn Ma Thuột không đền bù về đất, nhà ở, vật kiến trúc và cây cối hoa màu trên đất cho 19 hộ dân từ số nhà 557 đến số nhà 581 đường Phạm Văn Đồng, thuộc tổ dân phố 2, phường Tân Hoà là không thỏa đáng, gây thiệt hại và tác động tiêu cực đến cuộc sống các hộ dân.

Thứ nhất: Các quyết định giải quyết khiếu nại và cưỡng chế mà UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành đều căn cứ vào Điều 2, Quyết định số: 47/QĐ-UB ngày 6-1-2003 của UBND tỉnh Đắk Lắk, với nội dung: “Giao cho UBND thành phố Buôn Ma Thuột chủ trì cùng với Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột, Phân khu quản lý đường bộ Quốc lộ 26 và UBND phường Tân Hoà tổ chức kiểm tra, thực hiện việc cưỡng chế giải tỏa đối với 187 hộ dân (trong đó có 19 hộ trên –PV) xây dựng trái phép dọc Quốc lộ 26 vi phạm lộ giới giao thông và lấn chiếm đất bờ lô do công ty Cà phê Buôn Ma Thuột quản lý tại phường Tân Hoà…Thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 20-2-2003 phải báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh”. Thế nhưng, đến nay sau hơn 10 năm Quyết định số 47/QĐ-UB của UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành, UBND thành phố Buôn Ma Thuột mới “xới lại” để thực hiện và cũng chỉ thực hiện với 19 hộ dân là thiếu tính thuyết phục và không công bằng. Bởi, bản thân Điều 2 của Quyết định số: 47/QĐ-UB nêu rõ: “Thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 20-2-2003 phải báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh” chứ không phải đến tháng 4-2013 mới thực hiện(!).

Tình trạng 187 hộ dân (trong đó có 19 hộ đang phải giải tỏa làm đường vào chợ Tân Hoà) lấn chiếm hành lang Quốc lộ 26 là thực tế, do lịch sử để lại, vì trên thực tế có những hộ đã định cư ở khu vực này từ trước năm 1975. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tiến, giám đốc công ty Quản lý đường bộ 26 khẳng định: “Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang Quốc lộ 26 là vấn đề nan giải, tác động đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Ngay từ năm 2003, khi tham gia với UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số: 47/QĐ-UB, tôi đã nêu ý kiến là: Nên để cho các hộ dân định cư tại chỗ theo phương án lùi ra sau hành lang an toàn giao thông. Còn về vấn đề tiền đất thì cứ theo quy định của Luật Đất đai mà thực hiện. Như thế là hợp tình, hợp lý và hợp lòng dân nhất!”.

Xin nói thêm rằng, vào thời điểm thập niên 80 của thế kỷ XX, khi mà bọn phản động Phun-rô đang hoành hành ở Tây Nguyên, có được những hộ dân định cư tại Đắk Lắk (trong đó có khu vực Quốc lộ 26) để giữ đất, giữ làng, bảo vệ thành quả cách mạng là điều đáng quý, nên từ người dân cho đến chính quyền không ai để ý đến việc lấn chiếm hay không lấn chiếm đất. Do đó, không thể vì ngày nay đất đai “có giá” mà viện đủ lý do để giải tỏa dân đi nơi khác, không đền bù là gây thiệt thòi cho bà con.

Thứ hai: Việc UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định các hộ dân lấn chiếm đất bờ lô của công ty Cà phê Buôn Ma Thuột, chúng tôi cho rằng không đúng với thực tế. Bởi lẽ, qua tìm hiểu nguồn gốc đất của 19 hộ dân đang bị thu hồi để mở đường vào chợ Tân Hoà, cho thấy, có hộ như ông Nguyễn Văn Hùng tự khai hoang và dựng nhà ở từ năm 1977. Còn các hộ khác như vợ chồng CCB Lê Đắc Lĩnh và Phạm Thị Bình; hộ CCB Lê Ngọc Linh; hộ CCB Lê Thị Liễu; hộ Hà Thị Sanh; hộ Đặng Công Chín; hộ Trương Văn Tú…đều là đất nhận sang nhượng lại của công nhân nông trường Cà phê 11-3 vào thời điểm trước khi có Luật Đất đai, năm 1987; trong đó, nhiều thửa đất đến thời điểm này đã sang nhượng nhiều lần qua nhiều người. Tuy nhiên, việc sang nhượng chỉ là giấy viết tay giữa người chuyển nhượng với người nhận chuyển nhượng. Trên đất nhận chuyển nhượng, các hộ dân đã xây dựng nhà cửa và định cư ổn định từ trước năm 1993, có đăng ký hộ khẩu thường trú và hàng năm thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp thuế đất cho Nhà nước.

Không nên đẩy dân đến chỗ khốn cùng ảnh 3
CCB Lê Đắc Lĩnh lo lắng nếu giải tỏa mà không được đền bù sẽ lâm vào cảnh vô gia cư


Các hộ dân cũng khẳng định, đất bà con khai phá cũng như nhận chuyển nhượng nằm ngoài bờ ranh vườn cà phê của nông trường Cà phê 11-3. Hơn nữa, kể cả trong trường hợp đất bà con đang ở có nguồn gốc là đất do nông trường Cà phê 11-3 quản lý, nhưng đơn vị này đã để hoang hoá trong thời gian dài, dẫn tới người dân phát dọn dựng nhà định cư ổn định và không xảy ra tranh chấp (bởi từ trước đến nay, nông trường Cà phê 11-3 không khiếu nại, tranh chấp với các hộ dân), thì các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk thu hồi của nông trường này và cấp cho dân theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. Chúng tôi cho rằng, nếu xem xét thực tế việc sử dụng đất của 19 hộ dân, thì đất bà con đang sử dụng hội đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Khoản 4, Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003. Và vì vậy, nếu nay thu hồi đất của 19 hộ dân để mở đường vào chợ Tân Hoà thì phải đền bù theo Điều 42 của Luật Đất đai năm 2003 mới thỏa đáng. Cũng xin nói thêm, việc ngày 28-12-2012, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 3118/QĐ-UBND “Về việc thu hồi 12.295 m2 đất của công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột tại phường Tân Hoà, giao cho UBND thành phố Buôn Ma Thuột xây dựng đường vào chợ Tân Hoà”, là không đúng với thực tế. Bởi diện tích đất trên đang do 19 hộ dân sử dụng ổn định từ sau năm 1975 đến nay. Được biết, liên quan đến vụ việc này, ngày 11-7-2013, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Văn bản số: 4625/UBND-NN&MT về việc chủ trương giao đất cho 19 hộ bị thu hồi đất xây dựng đường vào chợ Tân Hòa. Theo văn bản này, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý về chủ trương giao đất cho 19 hộ dân tái định cư theo giá sàn, không thông qua đấu giá. Chúng tôi cho rằng, đây là động thái tích cực của UBND tỉnh Đắk Lắk. Nhưng vẫn chưa đảm bảo để 19 hộ dân bị thu hồi đất ổn định cuộc sống khi UBND thành phố Buôn Ma Thuột vẫn giữ quan điểm: “Không xem xét bồi thường về đất, các công trình, cây cối hoa màu trên đất cho 19 hộ dân. Thậm chí khi 19 hộ dân chưa được giao đất, chưa xây dựng nhà tái định cư đã bắt dân di dời trước ngày 10-8-2013 là không thấu tình đạt lý, đẩy dân đến chỗ mà trời chiếu đất !”.
Việc xây dựng chợ Tân Hoà là cần thiết và cũng nhằm mục đích bảo đảm ngày một tốt hơn nhu cầu dân sinh của bà con trong vùng. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm đời sống cho hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng cũng rất cần được quan tâm. Không nên chỉ vì lợi ích của một doanh nghiệp mà đẩy cuộc sống của 19 hộ dân vào cảnh khốn khó. Công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư cần phải xem xét trên thực tế việc sử dụng đất, không nên áp dụng quá cứng nhắc những quyết định hành chính, mà đẩy những thua thiệt về phía người dân.

Thực tế 19 hộ dân phải giải tỏa để xây dựng chợ, đều có hoàn cảnh khó khăn, đang rất cần sự hỗ trợ để ổn định cuộc sống như gia đình bác Lê Đắc Lĩnh cả 2 vợ chồng là CCB, chắt chiu cả đời binh nghiệp mới đủ tiền nhận chuyển nhượng lại được thửa đất và nhà ở; có hộ diện cận nghèo, hằng ngày phải làm thuê như ông Nguyễn Văn Hùng; hoặc hộ phải làm nghề thu mua nhôm nhựa như Trương Văn Tú và các hộ là thân nhân liệt sỹ cuộc sống còn nhiều khó khăn như Nguyễn Thị Mỹ Dung, Thân Thị Ngọc Sương và Nguyễn Tấn Vinh. UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND thành phố Buôn Ma Thuột nên xem xét lại những quyết định đã ban hành nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, tạo điều kiện để bà con có cuộc sống "bằng" hoặc" khá hơn" trước khi bị thu hồi đất như chủ trương chung của Nhà nước.