Không nên “chạy theo” CPI

ANTĐ - Không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng 1,32%, CPI 2 tháng đầu năm nay tăng cao hơn 2 tháng cùng kỳ năm trước. Song, CPI của tháng 2 và 2 tháng qua vẫn thấp hơn tốc độ tăng CPI bình quân cùng kỳ trong 9 năm trước. Giá thực phẩm được dự báo tăng rất cao trong và sau Tết Âm lịch nhưng thực tế không lên “cơn sốt”  theo quy luật mọi năm, chủ yếu đã được “bàn tay vô hình” của thị trường điều chỉnh cùng với lượng hàng hóa khá dồi dào, trong khi người tiêu dùng vẫn dè dặt chi tiêu, mua sắm.

Phân tích “hiện tượng” không bình thường này, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân hàng đầu là sức mua dân cư bị “co” lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá trong tháng 1, chỉ tăng chưa đến 1% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng thắt chặt, một phần quan trọng do thu nhập không nhích lên được, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư thành thị tăng chậm, nhất là hàng nghìn người bị mất việc hoặc thiếu việc làm trong hàng chục nghìn doanh nghiệp bị ngừng hoạt động, giải thể, thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Một phần không kém quan trọng là một bộ phận lớn dân cư đã xuất hiện trở lại tâm lý “ăn bữa sớm lo bữa tối”. Rẻ thì mua, đắt thì mua ít, thậm chí không mua cũng chẳng sao. Bởi thế lần đầu tiên có “hiện tượng” lạ, ngay trong dịp Tết Nguyên đán mà tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tăng tới 1,2%. Không thể bỏ qua một nguyên nhân khá “nặng cân” là tăng trưởng dư nợ tín dụng trong hai tháng qua vẫn mang dấu âm - 0,16%. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy, tình hình sẽ rất khó cải thiện bởi nợ xấu, hàng tồn kho cao, bất động sản vẫn là những “cục máu đông” gây tắc nghẽn “cơ thể” nền kinh tế. Phần lớn các nhà kinh tế và kết quả nghiên cứu cho thấy, lạm phát của nước ta tăng cao trong những năm qua là do tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều so với mức tăng của lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.

Nguyên nhân sâu xa chính là bởi hiệu quả đầu tư thấp và chính sách tiền tệ khá lỏng lẻo. Thử dự báo lạm phát năm 2013 sẽ ra sao, một số chuyên gia cho rằng phải xem xét tương quan giữa cung tiền, cầu tiền, tổng cung và tổng cầu. Xét về tổng cầu, có thể thấy năm nay vẫn ở mức thấp vì người dân và doanh nghiệp đều “ngấm đòn” suy giảm kinh tế, bằng chứng rõ nhất là diễn biến CPI trong 2 tháng đầu năm, nhất là tháng có Tết Âm lịch. Tương tự, chi phí đẩy cũng ít có khả năng đột biến do giá cả hàng hóa thế giới cũng khó tăng đột ngột, đồng thời việc tăng lương tối thiểu và có thể tăng giá điện cũng không ảnh hưởng lớn lắm. Yếu tố “lạm phát tâm lý” cũng khó có thể đẩy lạm phát tăng mạnh trở lại. Như vậy, yếu tố cuối cùng quyết định đối với lạm phát năm nay vẫn là cung cầu tiền tệ. Được biết, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 vào khoảng 12%. Nếu thực hiện đúng mục tiêu này thì lạm phát là vấn đề không đáng  lo ngại. Tuy vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước “bơm” mạnh tiền ra để cứu thị trường bất động sản hoặc tăng mạnh cung tiền, đồng thời Chính phủ đẩy mạnh đầu tư, tăng thâm hụt ngân sách thì lạm phát có khả năng tăng mạnh trở lại vào cuối năm nay.

Không thể lơ là trước nguy cơ lạm phát quay trở lại, thậm chí mạnh hơn, song cũng không nên quá ám ảnh, lo sợ. Vấn đề mà một số chuyên gia khuyến nghị là, các chính sách không nên “chạy theo” CPI mà cần quan tâm tới chất lượng tăng trưởng, bản chất tăng giá trong nền kinh tế.