Không muốn tăng lương

ANTĐ - Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp lên 15,1% trong năm 2015 so với năm 2014 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trước tin “vui” này, không ít người lao động lại bày tỏ nguyện vọng “xin” Nhà nước không tăng lương. Thoạt  nghe tưởng là nghịch lý, nhưng lý do được đưa ra là lương tăng lên không được là bao nhưng giá cả sẽ “chạy trước” khiến đời sống người dân khó khăn hơn.

Dư luận xã hội cho rằng, hiện nay lương tối thiểu dù có được tăng như đề xuất thì cũng chỉ đảm bảo 50-60% mức sống tối thiểu của người lao động, tùy theo từng vùng, miền, nhất là ở các đô thị tập trung đông người lao động trong các khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội… Chỉ có một số ít ngành nghề, bộ phận doanh nghiệp vẫn đang trả lương bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu cho một bộ phận lao động, là quan tâm tới chuyện tăng lương. Theo phân tích của một số chuyên gia, lương thực tế của người lao động phần lớn dựa vào lương cơ bản nhân với hệ số nào đó, hoặc được trả theo công việc, theo sản phẩm, lương khoán do thị trường quyết định và thường cao hơn mức lương tối thiểu, thì cũng chỉ là thiểu số, không thể tác động lớn đến cung cầu hàng hóa, làm giá cả tăng lên theo kiểu “té nước theo mưa”.

Vậy việc tăng lương tối thiểu mang lại lợi ích gì? Khi nền kinh tế mới “thoát đáy”, thất nghiệp có xu hướng gia tăng, việc tăng lương tối thiểu sẽ là rào cản trong việc tạo công ăn việc làm. Bởi giới chủ doanh nghiệp phải tính toán chi phí tối đa, nhất là chi phí nhân công để tồn tại và cạnh tranh. Trước áp lực việc làm và thu nhập, người lao động sẵn sàng chấp nhận một mức lương thấp hơn cả lương tối thiểu. Vì vậy, tăng lương tối thiểu nhiều lúc làm cho thị trường lao động xơ cứng, không kịp điều chỉnh theo diễn biến cung cầu. Người lao động “lo” tăng lương tối thiểu là hoàn toàn có lý chứ không bởi yếu tố tâm lý.