Không muốn sinh con vì nhiều áp lực

(ANTĐ) - Sau rất nhiều năm tuyên truyền mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, giờ đây, chúng ta đã giảm được tỷ lệ sinh một cách đáng kể nhưng đồng thời cũng xuất hiện những nguy cơ về việc già hóa dân số.

Không muốn sinh con vì nhiều áp lực

(ANTĐ) - Sau rất nhiều năm tuyên truyền mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con, giờ đây, chúng ta đã giảm được tỷ lệ sinh một cách đáng kể nhưng đồng thời cũng xuất hiện những nguy cơ về việc già hóa dân số.

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục dân số cho biết, sinh một con đã trở thành một hiện tượng đang có chiều hướng gia tăng tại một số thành phố. Thống kê từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, tính đến 1-4-2009, tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở nhiều thành phố khá thấp.

Cụ thể: Tỉ suất sinh toàn quốc là 2,03, trong đó thành thị là 1,8, còn nông thôn là 2,15. Đặc biệt, ở TP.HCM, có thời điểm, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh nở chỉ đẻ trung bình 1,45 con. Theo ông Trọng từ nhiều năm nay, Quốc hội thường giao chỉ tiêu cho Tổng cục Dân số là phải giảm sinh, giảm càng nhiều, càng nhanh càng tốt.

Đây cũng là mục tiêu suốt 50 năm qua của những người làm công tác dân số. Tuy nhiên, hiện nay, trước tình hình một số địa phương có tỉ số sinh quá thấp, thì nhiệm vụ của công tác dân số sẽ khó khăn hơn: không chỉ đảm bảo giảm sinh mà còn tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng tỷ lệ sinh ở mỗi vùng, mỗi tỉnh khác nhau, thậm chí có khi 5-10 năm nữa ở một số địa phương còn phải khuyến khích sinh. Điều này đặc biệt được nhấn mạnh tại các thành phố lớn, nhất là những đối tượng có tri thức, sẽ tạo ra thế hệ tương lai phát triển hơn. Giảm tỷ lệ sinh ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng dân trí thấp và tăng tỷ lệ sinh với đối tượng dân trí cao là nhiệm vụ của người làm công tác dân số trong giai đoạn hiện nay.

Áp lực từ cuộc sống khiến nhiều người phụ nữ, nhất là những chị em đã sinh được con trai đầu lòng đều không muốn đẻ thêm. Sinh con ở thành phố, người phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều nỗi lo, con nhỏ ốm đau, đi học, việc nhà, việc chăm sóc con và công việc tại cơ quan khiến họ lúc nào cũng trong tình trạng stress.

Người chồng không dễ dàng chia sẻ và đỡ đần công việc với vợ, nhất là việc nhà và chăm sóc con cái. Sự phát triển các dịch vụ ở thành phố lớn đã khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không còn bền chặt như thế hệ trước. Nhiều người cho rằng, không nhất thiết phải sinh nhiều con, mình chỉ cần có tích lũy là khi về già có thể đủ tiền vào trại dưỡng lão, không phải làm phiền đến con cái. Thậm chí, ở đây còn xuất hiện xu hướng muốn sống độc thân.

Theo bà Trần Thị Vân, Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ dân số Thế giới (UNFPA) tại Việt Nam thì, xu hướng sinh một con là có thật và chủ yếu do sức ép kinh tế - xã hội lên các cặp vợ chồng trong việc nuôi dạy con cái. Đối với một số đông gia đình trẻ ở các thành thị lớn hiện nay, việc đảm bảo lo cái ăn, cái mặc và cho con học hành là một gánh nặng lớn khiến các bậc phụ huynh quá mệt mỏi và ngại sinh đẻ. Để ngăn chặn xu hướng sinh một tăng mạnh trong thời gian tới, thì việc cần làm là phải tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các cặp vợ chồng trong việc nuôi, dạy con, chứ không thể đưa ra những quy định cứng nhắc hay bắt buộc, như khi muốn giảm sinh.

Theo một báo cáo mới đây của Quỹ dân số thế giới, do tỉ suất sinh và tỉ suất tử đều giảm, cộng với tuổi thọ được kéo dài, dân số đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh chóng, trong khi chất lượng dân số không được cải thiện là bao. Nhìn sang các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, tỷ lệ sinh giảm, dân số già hóa, những người trong độ tuổi lao động ngày càng ít đi, điều đó đồng nghĩa với trách nhiệm xã hội của Nhà nước phải nặng thêm. Số người phụ thuộc tăng lên, tác động lên các chính sách xã hội của các quốc gia.

Bởi vậy, theo ông Dương Quốc Trọng, trong thời gian tới, cần có các chính sách dân số để các địa phương có mức sinh hợp lý, đồng thời, nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với việc nước ta trở thành quốc gia có dân số già trong vòng 15-20 năm nữa.                        

Hải Như