"Không lý gì bắt thanh thiếu niên về lại thân phận trẻ em"

ANTĐ - Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến như vậy trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), chiều 23-3.

Chiều 23-3, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Theo đó, UBTVQH cho rằng việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.

Tuy nhiên trong buổi thảo luận tại hội trường về dự thảo luật, rất nhiều ĐB bày tỏ không đồng tình.

"Không lý gì bắt thanh thiếu niên về lại thân phận trẻ em" ảnh 1

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM)

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nói: “Công ước Quyền trẻ em có hiệu lực 1990 nói rất rõ trẻ em dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp các nước công nhận tuổi thành niên lớn hơn, nghĩa là nếu chúng ta quy định trẻ em dưới 16 tuổi, từ 16-18 tuổi không còn là trẻ em nữa thì không vi phạm công ước này.

Theo ĐB Nghĩa, ở Việt Nam, trẻ em là người dưới 16 tuổi, từ 16-18 tuổi là người chưa thành niên và trên 18 tuổi là thành niên.

"Tất cả luật pháp của chúng ta đều xây dựng trên cơ sở 3 độ tuổi phân loại này. Trước và sau khi có công ước trên, chúng ta sống trên tinh thần như vậy và không hề vi phạm gì. Vậy thì lý do gì mà bây giờ chúng ta lại đem cái khái niệm trẻ em phải là dưới 18 tuổi để đạt được cái gì?”, ĐB Nghĩa nêu quan điểm.

Đồng thời, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nếu quy định độ tuổi 16-18 tuổi vẫn là trẻ em thì một loạt hành vi dân sự của thanh thiếu niên ở lứa tuổi này phải tính toán lại, dẫn đến phải tính toán lại Bộ luật Hình sự, vấn đề tuổi kết hôn, vấn đề giao cấu với trẻ em, vấn đề tội phạm…

"Không có lý do gì giờ lại bắt thanh thiếu niên 16-18 tuổi phải quay lại thân phận trẻ em. Chúng ta đang đi ngược xu thế chung của thế giới. Đưa ra quy định này tôi cho rằng “lợi bất cấp hại”, ĐB Nghĩa kết luận.

"Không lý gì bắt thanh thiếu niên về lại thân phận trẻ em" ảnh 2

ĐB Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ không đồng tình với việc nâng tuổi trẻ em

Đồng quan điểm trên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan phân tích thêm: “Ra luật cần lưu ý cả phong tục vùng miền, đặc biệt đông bào thiểu số phía Bắc có tình trạng tảo hôn. Giờ tăng độ tuổi trẻ em thì sẽ có thêm rất nhiều người lâm vào kết hôn trái pháp luật. Thêm nữa, nếu quy định dưới 18 tuổi là trẻ em thì phải tính tới vấn đề trẻ em xâm hại lẫn nhau, yêu nhau cũng là phạm luật, xâm phạm lẫn nhau cũng là phạm luật. Như chúng tôi vẫn nói một cách hình tượng là sẽ phải xây thêm khoa sản cho bệnh viện nhi. Những phân tích trên đều cho thấy chưa phù hợp để áp dụng nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Nếu chúng ta làm cuộc khảo sát đối với các em học sinh trong độ tuổi 16-18 tuổi với câu hỏi: “Có em nào muốn làm trẻ em không”, tôi nghĩ câu trả lời sẽ rất rõ ràng”.

Đóng góp thêm vào dự thảo luật, ĐB Đàm Khánh Phong Lan cho rằng, quy định “trẻ em có quyền bất khả về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” là rất nguy hiểm vì nếu cha mẹ muốn giám sát, kiểm tra con cái sẽ là phạm luật. Quyền tự do cá nhân của trẻ em, trên lý thuyết nghe rất hay nhưng ngay ở các nước phát triển cũng đã cho thấy mặt trái của nó”.

Các ý kiến thảo luận khác cơ bản đồng tình đổi tên luật thành Luật Trẻ em và cần cân nhắc quy định độ tuổi trẻ em để không gây xung đột giữa các luật khác.