Không lập thêm trường, tránh đào tạo tràn lan

ANTĐ - Trong phiên trả lời chất vấn sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã tập trung vào những vấn đề lớn như nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên ra trường có việc làm...

Không lập thêm trường, tránh đào tạo tràn lan ảnh 1
“Có ý kiến cho rằng trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế,
trở thành rào cản trong quá trình hội nhập của Việt Nam?” ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái)


Đổi mới phần ngọn?!

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) nêu: “Bộ GD-ĐT đã chọn thi cử là khâu đột phá, có ý kiến cho rằng đây chỉ là phần ngọn còn đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học mới là phần gốc. Vậy vì sao chưa đổi mới chương trình sách giáo khoa đã đổi mới thi cử? Có ý kiến cho rằng trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế, trở thành rào cản trong quá trình hội nhập của Việt Nam?”.

Về đổi mới trong thi cử, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: “Kết quả đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy đã có những thay đổi căn bản. Từ chỗ ra đề thi chỉ là kiểm tra kiến thức thuộc lòng thì giờ đề thi là kiểm tra khả năng vận dụng của mỗi học sinh. Bên cạnh đó, việc kiểm tra kiến thức của từng bài học đã chuyển sang tổng hợp kiến thức của cả một khóa học bao gồm kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật, đạo đức công dân... trong đề thi, tạo ra sức lan tỏa khiến các học sinh hứng khởi, làm bài tốt. Cũng từ kết quả đổi mới thi cử vừa rồi, cho phép chúng ta thay đổi việc dạy và học theo lối truyền thụ kiến thức  sang huấn luyện kỹ năng”.

Về việc không quy định ngoại ngữ (tiếng Anh) là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Chủ trương nhất quán là phải đẩy mạnh dạy và học ngoại ngữ nhằm nâng cao khả năng giao tiếp ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho nguồn nhân lực. Tăng cường khả năng ngoại ngữ cho học sinh là cần thiết nhưng thời gian qua chất lượng dạy học Ngoại ngữ trong nhà trường có nhiều tồn tại. Cách dạy, học và thi ngoại ngữ tại các trường hiện nay không giống ai. Giáo viên chủ yếu dạy ngữ pháp dẫn đến tình trạng học sinh tốt nghiệp THPT mà vẫn không thể nghe, nói thành thạo. Nhiều sinh viên dù có bằng, chứng chỉ trong tay nhưng lại không thể sử dụng ngoại ngữ. Trong khi chưa đổi mới, chưa thay đổi được phương pháp dạy và học thì chưa nên quy định Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc”. Bộ trưởng cũng giải thích, ngành giáo dục đang tập trung vào khâu đào tạo giáo viên giảng dạy môn Ngoại ngữ ở các nhà trường, sau đó mới thực hiện chương trình thay đổi toàn diện từ giảng dạy, sách giáo khoa, đến thiết kế chương trình giảng dạy sao cho phù hợp. Khi đó sẽ tiến tới đưa Ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc.

Không lập thêm trường, tránh đào tạo tràn lan ảnh 2
“Cách dạy, học và thi ngoại ngữ tại các trường hiện nay không giống ai.
Giáo viên chủ yếu dạy ngữ pháp dẫn đến tình trạng học sinh tốt nghiệp THPT
mà vẫn không thể nghe, nói tiếng Anh”.  Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Hàng chục nghìn sinh viên không có việc làm

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nêu câu hỏi: “Hiện có khoảng 72.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH mà không có việc làm. Hệ quả này là do nguyên nhân đào tạo bất hợp lý, không đúng với yêu cầu thị trường lao động hay cơ cấu bất hợp lý về đào tạo. Bộ đã có chính sách, biện pháp gì trong vấn đề này?”.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề của thị trường lao động. Chúng ta chỉ khớp được giữa đào tạo và việc làm trong thời kỳ bao cấp, khi cá nhân học một ngành nghề nào đó là do Nhà nước phân công, sau tốt nghiệp làm việc ở đâu là do Nhà nước chỉ định. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, việc đào tạo là cho nhiều thành phần kinh tế, khi đó thị trường lao động phát triển thì độ chênh và sự không khớp giữa cung và cầu là một thực tế khách quan. Các bộ, các cơ sở đào tạo cũng có trách nhiệm trong việc này. Do vậy, các đơn vị cần có trách nhiệm phối hợp xử lý để làm thế nào chất lượng đào tạo được tốt hơn, tránh tình trạng mở tràn lan, chạy theo số lượng. 

Hiện Bộ GD-ĐT đang chú trọng thay đổi chương trình, đẩy mạnh liên kết với các hệ thống giáo dục quốc tế để cải thiện chất lượng đào tạo. Về cơ bản sẽ không thành lập thêm các trường mới, trừ những trường đã có chủ trương và thật sự cần thiết. Các trường ĐH khi có dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội mới được xem xét thành lập. Trong thời gian qua, Bộ cũng đã có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng hạn chế việc thành lập các trường ĐH, CĐ, cải tiến, thay đổi quy trình cấp phép, thành lập và cấp phép hoạt động, khắc phục tình trạng có trường ĐH hoạt động nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có thầy cô giáo mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo. “Bộ đang tiến hành rà soát quy hoạch các trường đào tạo, trường nào đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, chưa hoạt động, Bộ sẽ thu hồi giấy phép và đưa ra biện pháp xử lý những trường hoạt động không hiệu quả”- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm và tự kiểm điểm khi một lượng lớn sinh viên sau tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm là do trong một thời gian dài ngành giáo dục chỉ chú trọng quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, chưa có các hoạt động thiết thực về đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Các chương trình đào tạo chưa theo kịp với sự phát triển thực tiễn của trong nước và thế giới, nội dung đào tạo nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, nhẹ thực hành, chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, ứng dụng thông tin, ngoại ngữ... Những yếu kém đó đã dẫn đến quy mô tuyển sinh, quy mô sinh viên tốt nghiệp hàng năm tăng lên, trong khi chất lượng đào tạo còn thấp, chưa được chú trọng, nâng cao. Bộ GD-ĐT cùng với các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có trách nhiệm chính trong những yếu kém nói trên. 

Chủ tịch Quốc hội “chấm điểm” Bộ trưởng

Không lập thêm trường, tránh đào tạo tràn lan ảnh 3

“Tất cả các câu hỏi được các đại biểu đưa ra đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT  
Phạm Vũ Luận trả lời thẳng thắn, tự nhận trách nhiệm về mình những công việc còn yếu kém của ngành giáo dục và đưa ra những giải pháp, định hướng để giải quyết những vấn đề mà Quốc hội đặt ra khá rõ ràng và đầy đủ. Đến cuối năm nay, đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần xây dựng báo cáo toàn diện về triển khai thực hiện đề án đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục đào tạo để báo cáo Quốc hội. Nếu cần, sẽ thảo luận một lần nữa về quốc sách hàng đầu này”.

34.000 tỷ đồng đổi mới giáo dục: Lỗi kỹ  thuật!

Đề cập đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa, ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) hỏi: “Dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình khi Bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án với chi phí trên 34.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Vậy chừng nào Bộ trưởng mới trình dự án này ra UBTVQH để nâng cao và khắc phục yếu kém của ngành giáo dục?”.

Về con số 34.000 tỷ đồng, Bộ trưởng nói: “Khi trình bày việc này, trong tờ trình của Bộ mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT mang theo không có con số kinh phí. Đây là lỗi kỹ thuật để xảy ra sai sót. Với tư cách Bộ trưởng, tôi nhận lỗi về việc báo cáo chưa đầy đủ này đã gây ra sự lo lắng, băn khoăn trong nhân dân. Thực tế số tiền đó là dùng nhiều việc, chứ không phải chỉ cho mỗi việc đổi mới sách giáo khoa”. 

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Bao giờ mới đổi mới xong giáo dục?

Không lập thêm trường, tránh đào tạo tràn lan ảnh 4

“Thời gian là tài nguyên, là cơ hội. Bộ trưởng trả lời như vậy thì ĐBQH chúng tôi rất hoang mang, không biết bao giờ đổi mới chương trình – sách giáo khoa xong? Trong khi đó, nhiệm kỳ của cả Quốc hội lẫn Bộ trưởng sắp xong rồi. Vì vậy, tôi cho rằng nhiều khi trả lời của Bộ trưởng chỉ là biện pháp ứng phó với Quốc  hội. Đề án quan trọng vậy nhưng Bộ trưởng lại thanh minh sai sót là do thủ tục, do cách làm. Những việc đó gây mất lòng tin. Mặc dù chúng ta ghi nhận là giáo dục thời gian qua đã có những thay đổi, nhưng chúng ta đang đòi hỏi giáo dục phải có những đổi mới cấp bách. Vì vậy, tôi có cảm tưởng các Bộ trưởng khi điều hành công việc chỉ nghĩ đến nhiệm kỳ của mình, lấy an toàn là chính mà ít thấy thời gian là một cơ hội cực kỳ quan trọng”.

ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận):Nên làm rõ trách nhiệm Bộ trưởng

Không lập thêm trường, tránh đào tạo tràn lan ảnh 5
“Việc Quốc hội chấp thuận để Chính phủ rút, không trình nội dung đổi mới chương trình – sách giáo khoa tại kỳ họp này đã  rõ và sự thật là Bộ GD-ĐT có sai sót. Bây giờ điều quan trọng mà ĐBQH, người dân quan tâm là bao giờ làm xong đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa? Chúng tôi muốn nói rõ trách nhiệm của Bộ trong việc trình lên nội dung này. Bộ trưởng nói áp dụng kinh nghiệm trình Nghị quyết về đổi mới chương trình - sách giáo khoa của năm 2000.  Nay đã là năm 2014, nếu áp dụng như vậy thì có thỏa đáng không? Phải có sự  đổi mới sau 14 năm chứ? Đang làm đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa thì phải đổi mới ngay trong cách làm chứ? Ngay việc nói con số 34.000 tỷ đồng đưa ra là do anh em bị “khớp”, như vậy rất buồn cười. Trách nhiệm của Bộ trưởng ở đây cũng phải được làm rõ, chứ không đơn thuần chỉ là do lỗi kỹ thuật”.