Không lập thêm bộ máy riêng để làm quy hoạch tổng thể quốc gia

ANTD.VN - Khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực (dự kiến từ 1-1-2019), tới đây, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ 6 quy hoạch tổng thể, trong đó có quy hoạch tổng thể quốc gia.
Khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực (dự kiến từ 1-1-2019) tới đây, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ 6 quy hoạch tổng thể, trong đó có quy hoạch tổng thể quốc gia.

Sáng nay, 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Quy hoạch. Đây là dự án luật có nhiều ý kiến trái chiều nhất trong số các luật được cho ý kiến thời gian qua bởi đây là một luật khung, điều chỉnh chung cho toàn bộ công tác quy hoạch và việc xây dựng luật này sẽ liên quan đến hàng trăm luật khác đang có hiệu lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh sẽ không lập cơ quan riêng để làm quy hoạch tổng thể quốc gia

Theo tờ trình về dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, Chính phủ đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung nhóm 8 luật có nội dung đơn giản về kỹ thuật ngay trong dự thảo Luật Quy hoạch; đồng thời có danh mục 24 luật dự kiến sửa đổi, bổ sung kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch. Như vậy, nếu ban hành Luật Quy hoạch, Quốc hội sẽ phải sửa đổi, bổ sung tổng cộng tới 32 luật khác.

Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết dù có phải sửa đổi vài chục luật, điều luật liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Thanh Bình cho rằng, cần phải thẩm tra, rà soát lại thật kỹ xem ngoài danh mục 32 luật kể trên còn có luật nào khác cần sửa đổi nữa không để làm đồng bộ; hoặc có thể sử dụng một luật để điều chỉnh nhiều luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Ông Phạm Thanh Bình cho rằng, cốt lõi của Luật Quy hoạch là 6 quy hoạch tổng thể, gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tổng thể về biển, quy hoạch tổng thể về đất, quy hoạch tổng thể về ngành, quy hoạch tổng thể về vùng, quy hoạch tổng thể về địa phương. Theo ông Bình, làm quy hoạch phải chuyên nghiệp, có tính xuyên suốt chứ không thể theo thời vụ được, do vậy việc giao cơ quan nào làm quy hoạch tổng thể quốc gia hay có nên lập một bộ máy riêng làm quy hoạch tổng thể thì cần phải cân nhắc rất kỹ.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Luật Quy hoạch cần được xây dựng theo nguyên tắc giao Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý về quy hoạch, Bộ Kế hoạch Đầu tư là đầu mối chính, các Bộ ngành khác tham gia theo sự phân công của Chính phủ.

“Quan điểm là không thành lập các cơ quan làm quy hoạch mới. Bộ Kế hoạch Đầu tư phải chịu trách nhiệm chính về quy hoạch, Bộ này có thể thành lập các Hội đồng tư vấn, thẩm định để tham vấn nhưng không phải lập cơ quan làm quy hoạch mới” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý sẽ làm một luật sửa nhiều luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Đặc biệt, phải quyết tâm hoàn thiện để Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2019. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đơn vị soạn thảo, thẩm tra dự luật này cần cố gắng hoàn chỉnh dự thảo Luật Quy hoạch để trình ra tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII tới đây, đảm bảo kịp tiến độ và chất lượng.