Không “khôn nhà”, còn “dại chợ”

ANTĐ - Tư duy “độc quyền” đang khiến một số Đài truyền hình ở Việt Nam ở trạng thái ngạt thở, khi các công ty lọc lõi ở nước ngoài đang đánh đúng vào điểm yếu này để kiếm lời hàng chục triệu USD.

Người hâm mộ không bao giờ muốn bỏ ra một khoản tiền cao  đến phi lý để xem Premier League

Sự ra đời của truyền hình trả tiền là một xu thế tất yếu của xã hội, và việc mua bán bản quyền của những giải bóng đá lớn nhất thế giới để phục vụ đông đảo người hâm mộ Việt Nam cũng là một xu thế không nằm ngoài quy luật, nhưng chính thái độ cạnh tranh theo kiểu “ăn xổi” và tư duy độc quyền đã khiến cho không chỉ các Đài truyền hình, mà bản thân khán giả Việt Nam cũng bị thiệt thòi.

Cách đây 6 năm, một đơn vị truyền hình kỹ thuật số đã phải bỏ ra đến 4 triệu USD để mua độc quyền bản quyền Premier League trong 3 mùa để bắt đầu quá trình tạo dựng uy tín và thương hiệu. Cái giá ấy, so với 3 năm trước đó, khi VTV mua để phát sóng trên các kênh quảng bá (miễn phí) là đắt gấp đôi. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, sự xuất hiện của K+ năm 2010 đã khiến cho cái giá để mua bản quyền giải đấu được người Việt Nam đặc biệt yêu thích này đã được đẩy lên tới hơn 18 triệu USD/3 mùa (mua của đối tác MP&Silva), gấp gần 5 lần. Và tất nhiên, của đắt thì không thể miễn phí, và đứng ra “gánh” vẫn là khán giả, những người không thể từ bỏ món ăn tinh thần đã ngắm vào máu thịt họ, bằng việc bỏ hàng triệu đồng ra để mua đầu thu cùng mức thuê bao vài trăm nghìn/tháng.

Thời điểm ấy, đã có một làn sóng phản đối dữ dội cách làm của K+. Tư duy muốn độc quyền và chiếm lĩnh toàn bộ thị trường của đơn vị này khiến cho việc thưởng thức một cách chính đáng các trận đấu hay của phần đông người hâm mộ bị ảnh hưởng nặng nề. Phần đông khán giả có thu nhập trung bình không được xem những trận đấu của ngày Chủ nhật (thường là những trận hay nhất vòng), còn nhiều Đài truyền hình lại không thể cạnh tranh nổi và đành chấp nhận mua những gói có giá dễ chịu hơn, là những trận đấu ngoài Chủ nhật để phục vụ công chúng, trong đó phải kể tới Đài Hà Nội (HTV). Vì thế, mới có chuyện nhiều quán café, quán nhậu ăn nên làm ra nhờ có đầu thu K+. Chỉ có điều, luôn có nhiều rắc rối nảy sinh từ việc tập trung đông người vào ban đêm, ở những tụ điểm vốn luôn sôi động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự an ninh như thế.

Sau “cú sốc” K+, giờ thì các Đài truyền hình ở Việt Nam lại đang ở một trạng thái “ngạt thở” hơn lúc nào hết, khi Tập đoàn IMG (Mỹ), đơn vị nắm bản quyền truyền hình Premier League ở Việt Nam trong ba mùa từ 2013-2016 đưa ra lời “thách giá” với gói bản quyền nặng nhất (xem toàn bộ các trận đấu của Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải đó) lên tới 33 triệu USD. Cộng thêm các khoản thuế, hạ tầng viễn thông… có thể lên đến 50 triệu USD, tức khoảng 1000 tỷ đồng.

Câu hỏi lớn được đặt ra: Ai sẽ là người dũng cảm bỏ tiền ra mua? Và nếu mua được đi nữa, thì để giải đấu đến được với công chúng, họ sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền nữa? Quá khó để trả lời, bởi cho đến lúc này, khán giả đã trở nên thông thái hơn nhiều, họ luôn có những cách xem bóng đá từ mạng internet, dù chất lượng không thể ở mức tuyệt vời, nhưng còn hơn là tốn những khoản tiền mà họ cho là phi lý. Hơn nữa, nếu có đơn vị bỏ tiền ra mua để tiếp tục chứng tỏ sự “độc quyền”, họ cần nghĩ về doanh thu của K+ trong 3 năm qua: chỉ 250.000 thuê bao, quá ít so với mục tiêu ban đầu. Rõ ràng, tư duy độc quyền của nhiều Đài truyền hình ở Việt Nam tưởng như thức thời, nhưng lại đang mang lại những hiệu ứng ngược lại. Và suy cho cùng, khi tiền bản quyền cứ tăng chóng mặt thế này, và các Đài truyền hình trong nước còn không chịu ngồi lại tìm giải pháp, mà vẫn có tư tưởng muốn độc quyền, thì chỉ có những công ty như MP&Silva hay IMG là những người được cười khoái trá nhất mà thôi.