Không im lặng trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Hồng Lan nhấn mạnh, quan điểm của Bộ là không im lặng đối với các hành vi, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Không im lặng trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em ảnh 1

Quan điểm của Bộ LĐ-TB-&XH là không im lặng đối với vụ việc xâm hại tình dục trẻ em

Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây gây bức xúc trong dư luận, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: “Xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn rất nhức nhối, đau xót và rất đáng lo ngại”.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trung bình mỗi năm trên phạm vi cả nước có khoảng 2.000 vụ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại được báo cáo, trong đó có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em).

Trong đó, đối tượng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ như cha đẻ, thầy cô giáo…

Tuy nhiên, những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện chỉ là một phần của “tảng băng chìm”. Thậm chí nhiều vụ việc xảy ra nhưng gia đình lại im lặng không dám tố cáo, vì sợ con mình bị kì thị, xấu hổ, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.

Bà Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH chưa bao giờ làm ngơ những việc như thế này. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến bảo vệ trẻ em, Bộ đã chọn năm 2017 là năm phòng chống xâm hại trẻ em.

“Tuy nhiên, trong thực tiễn, để xử lý được một vụ xâm hại trẻ em, liên quan đến rất nhiều bên, từ nạn nhân, thủ phạm, gia đình, nhà trường, cơ quan điều tra, các cơ quan pháp luật khác… từ đó mới có thể kết luận được hành vi xâm hại trẻ em và tiến tới xử lý theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ.

Cũng theo bà Lan, dù trong thực tiễn, việc phát hiện, điều tra những vụ xâm hại tình dục trẻ em là không hề đơn giản, nhưng quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là làm sao phải ưu tiên điều tra để có kết luận chính xác và nhanh nhất.

Bên cạnh đó các cấp, các ngành liên quan cũng cần vào cuộc để hỗ trợ cho các cháu. Cơ quan LĐ, TB-XH các cấp thực hiện việc thăm hỏi, tư vấn, có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu tổn hại về mặt tinh thần, thể chất cho các cháu và gia đình.

“Quan điểm của Bộ là không im lặng đối với các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em và đề nghị các cá nhân, cơ quan, tổ chức thông tin, thông báo, tố giác kịp thời các hành vi, các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Bà Lan cho rằng: “Nỗi đau này không chỉ riêng đối với các gia đình, nỗi đau cho tương lai của các cháu, mà về mặt xã hội, đây là sự suy đồi đạo đức của một số người, cần phải lên án mạnh mẽ và phải xử lý kịp thời, nghiêm minh”.