Không hiểu nhưng vẫn thích trồng ngô biến đổi gene

ANTĐ - Mặc dù khi được hỏi “ngô biến đổi gene” như thế nào, tất cả nông dân đều cho biết, không hiểu như thế nào là cây trồng biến đổi gene nhưng đều mong muốn được trồng vì đỡ sâu bệnh, đỡ chi phí và công chăm bón.

Thích ngô biến đổi gene vì năng suất, ít sâu bệnh

Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có khoảng trên 5 triệu tấn ngô. Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 năm tới tốc độ tăng trưởng nhập khẩu mặt hàng này trung bình vẫn tăng 20%/năm.

Theo ước tính, trung bình Việt Nam nhập khẩu khoảng 9 triệu tấn ngô, đậu tương/năm, với chi phí khoảng 4 tỷ USD. Xuất khẩu gạo chưa đủ tiền để nhập khẩu một số nguyên liệu chế biến thức căn chăn nuôi.

Ngô biến đổi gene cho năng suất cao, đặc biệt giúp kháng sâu bệnh

Ngành nông nghiệp đang kỳ vọng vào giải pháp công nghệ sinh học, đưa cây ngô biến đổi gene vào canh tác, nhằm nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận cho người dân trồng ngô, giảm lượng ngô nhập khẩu hàng năm.

Qua vụ ngô đầu tiên ứng dụng thử nghiệm công nghệ sinh học giúp ngô có khả năng kháng sâu và thuốc trừ cỏ cho thấy công nghệ mới này đang nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự chú ý của nông dân các tỉnh phía Bắc.

“Tôi trồng ngô tại vùng này hơn chục năm nay, từ đầu những năm 1990 trên diện tích 1700m2. Trung bình mỗi vụ tôi thu được 8 – 9 xe bò, ngô thu được dùng chủ yếu cho chăn nuôi trong gia đình. Đến vụ ngô này, vẫn diện tích ấy, tôi thu được 14 xe bò, nghĩa là gấp rưỡi so với bình quân mọi năm. Trong quá trình canh tác thì giảm được rất nhiều sức người sức của. Chất lượng ngô cũng tốt hơn, ngô không bị mốc thối do sâu đục bắp và nặng hạt hơn, đến mức mà vẫn cái xe thồ ngô ấy con bò năm nay nó thấy nặng, nó chối không muốn kéo, người phải vào đẩy hộ”, ông Lưu Văn Trần, nông dân xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ sau vụ thu hoạch ngô chuyển gene đầu tiên.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Vân, xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc cho biết, vụ này chị tham gia trồng thử nghiệm  2 sào (720m2) ngô biến đổi gene, năng suất đạt 2,3 tạ/sào. Dù năng suất tăng không nhiều nhưng đáng nói, ưu điểm của ngô biến đổi gene là kháng sâu rất tốt, đặc biệt là sâu đục thân, nông dân giảm được công chăm sóc.

“Trồng ngô lai, bình thường mỗi vụ ngô chúng tôi phải đánh 3 lần thuốc, nhưng vụ này trồng ngô biến đổi gene không cần phun thuốc nhưng cũng không thấy sâu, công chăm sóc theo đó cũng nhàn đi rất nhiều. Chúng tôi rất mong muốn Bộ NN&PTNT nhanh chóng đưa loại giống này vào sản xuất, giúp bà con nông dân tiết kiệm nhân lực, năng suất cao”, chị Vân chia sẻ.

Không hiểu nhưng vẫn thích

Tuy nhiên, khi đề cập đến việc, “cây trồng biến đổi gene” là như thế nào thì chị Vân và nhiều nông dân đều lắc đầu không biết. “Tôi không biết thế nào là cây trồng biến đổi gene, chỉ thấy giống cây nào tốt, cho năng suất cao là áp dụng thôi”, chị Vân cho hay.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện hỗ trợ nông dân trồng ngô biến đổi gene với diện tích 5.000ha/năm. “Áp lực sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân với cây ngô trên đồng đất Vĩnh Phúc rất lớn.  Nhưng, đưa cây ngô biến đổi gene kháng sâu này vào, giảm áp lực về thuốc, về ô nhiễm môi trường cho nông dân rất lớn. Người nông dân thì không quan tâm đến giống ngô gì, biến đổi gene hay ngô lai, với họ chỉ quan trọng là năng suất và chi phí đầu vào giảm”, ông Dũng nhận định.

Dù chưa hiểu đầy đủ "cây trồng biến đổi gene" là gì nhưng hầu hết nông dân đều mong muốn sớm được trồng loại cây này

Để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông dân trồng ngô, ông Dũng tiết lộ, tỉnh Vĩnh Phúc đang có kế hoạch xây dựng chợ đầu mối nông sản ở Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Đây sẽ trở thành sàn giao dịch nông sản, giúp bà con nông dân có kênh tiêu thụ. Còn về lâu dài, tỉnh sẽ huy động các doanh nghiệp tham gia vào liên kết, tiêu thụ.

Mặc dù đã khá hài lòng với ngô biến đổi gene ít sâu bệnh, năng suất cao hơn nhưng hầu hết nông dân đều phàn nàn về mức giá ngô giống đang được bán hơi cao. Hiện tại, giá ngô giống biến đổi gen của Công ty Sygenta cung cấp từ 200.000-210.000 đồng/kg, trong khi, giống ngô bà con mua ở Viện ngô là 70.000-140.000 đồng/kg.

“Nhà sản xuất có cách nào có thể giảm giá ngô giống xuống, chứ giá ngô giống biến đổi gene như vậy thì đắt quá”, chị Vân đề xuất.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mỗi năm diện tích trồng ngô cũng lên tới 36.500ha. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai mong muốn, cây ngô biến đổi gene nhanh chóng được đưa vào trồng thương mại, để nông dân sớm được tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất.