Không hạ giá, ô tô Việt Nam khó cạnh tranh

ANTĐ - Theo lộ trình gia nhập AFTA, đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô về mức 0%, xe ngoại sẽ tràn vào Việt Nam, gây khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Không còn cách nào khác, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam buộc phải phát triển bằng cách tăng tỷ lệ nội địa hóa, cắt giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh.

Không hạ giá, ô tô Việt Nam khó cạnh tranh ảnh 1
Công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển dưới tầm và gặp nhiều khó khăn 
do chưa có chính sách đầu tư đúng đắn


Giá xe phải giảm

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Phát triển công nghiệp ô tô trong xu thế hội nhập” diễn ra sáng 22-8, ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước ASEAN. Chất lượng xe mặc dù cải tiến nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu. Vì vậy, mặc dù cao hơn 20% so với xe lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu vẫn hút khách hơn đối với nhiều người tiêu dùng.

 Dư luận cho rằng, các khoản thuế, phí cao đối với ngành công nghiệp ô tô trong thời gian qua đã đẩy giá bán ô tô lên cao (gấp 3 lần so với giá gốc) và hạn chế sức mua, bảo hộ lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, một chiếc ô tô tại Việt Nam hiện đang phải gánh tất cả 8 loại thuế, phí, như: thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện đang ở mức 10-60% tùy từng loại xe); lệ phí trước bạ; lệ phí đăng ký biển số xe; phí kiểm định; lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định và phí đường bộ. Ngoài ra, còn có thuế thu nhập doanh nghiệp. Giá cao, sức tiêu thụ thấp đã đi ngược lại chiến lược phát triển công nghiệp ô tô. “Phải giảm giá bán xe xuống. Yếu tố lãng phí trong sản xuất dẫn đến giá thành xe cao hiện nay tại Việt Nam là có nhưng cũng cần xem xét cắt giảm bớt các loại phí để nâng cao sức cạnh tranh vào thời điểm năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe về mức 0%” - bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Tận dụng cơ hội phát triển

Theo Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dòng xe dưới 9 chỗ ngồi sẽ là dòng xe chiến lược, được ưu tiên phát triển. Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có rất nhiều cơ hội phát triển và là ngành quan trọng đối với nền kinh tế, nên cần có chính sách đột phá. Đáng chú ý, chiến lược phát triển công nghiệp ô tô được sự đồng thuận rất cao của các bộ, ngành. Ông Dương Đình Giám - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương cho hay, với các quy hoạch trước đây, Bộ muốn phát triển công nghiệp ô tô nhưng Bộ Tài chính lại đặt ra mức thuế quá cao, Bộ GTVT muốn hạn chế phương tiện cá nhân… Nhưng lần này, các bộ, ngành đều thống nhất quan điểm và tạo điều kiện cho công nghiệp ô tô phát triển. 

Muốn giảm giá thành xe, một trong những điều kiện cần có là phải tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Theo ông Lâm Chí Quang - Tổng giám đốc, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM), các doanh nghiệp ô tô đã rất nỗ lực đẩy mạnh nội địa hóa như: Toyota có model đạt 35%, có model đạt 37%, nhưng nhìn chung, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô còn thấp, nguyên nhân là do quy mô thị trường còn nhỏ, hiện đạt khoảng 140.000 xe/năm. Trong khi đó, tại Thái Lan là 2,5 triệu xe/năm. “Cả một năm bán hàng tại Việt Nam chỉ bằng doanh số 20-25 ngày bán hàng của Thái Lan” - ông Lâm Chí Quang nói. Bên cạnh đó, một chiếc ô tô thành phẩm bao gồm hàng nghìn chi tiết và không có doanh nghiệp nào làm được 100% các chi tiết này. 

Theo ông Dương Đình Giám, khi tiêu dùng sản phẩm ô tô tăng thì thị trường mới được mở rộng và khi đó, nhà sản xuất mới có thể sản xuất được. Quy mô thị trường đủ lớn cũng sẽ tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển, từ đó, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa.